“Đu Đêm” mùa 3 tập 5-chuyện những người làm nghề gác đường ngang âm thầm hoàn thành trách nhiệm mang sự an toàn đến mọi người nhưng nguy hiểm luôn rình rập.
“Đu Đêm” mùa 3 chính thức lên sóng tập cuối với trải nghiệm Thùy Tiên, WEAN lần đầu làm nhân viên gác tàu. Mới mở đầu đã khiến khác giả thích thú trước những “phản ứng hóa học” của Thùy Tiên và WEAN. Trước đó, cả hai đã có nhiều màn tương tác thú vị trên mạng xã hội khiến fan cười ra nước mắt với sự “tẻn tẻn” của đôi bạn. Vì là bằng tuổi nên Thùy Tiên và WEAN khá thoải mái tương tác, chọc ghẹo đối phương. WEAN không ngại thể hiện sự “simp”(dịch: mê) với Thùy Tiên: “Mình thích Tiên”, “Mình rất vui khi được làm chồng Tiên.” Tụi mình cũng mới cưới thôi”, “Mình lúc nào cũng thấy Tiên trong lòng”, “Để chồng đội mũ cho”,... Đổi lại thì nàng hậu lại cực “phũ”: “Xạo, dựng chuyện gì mà hay dữ vậy. Mình quen rồi, nó mê mình mà, kệ nó thôi.”.
Gác đường ngang là công việc diễn ra tại các trạm gác, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn giao thông đường sắt. Nhân viên gác đường ngang đòi hỏi sự kỷ luật và trách nhiệm vô cùng lớn để hoàn thành nhiệm vụ. Nếu mọi người chỉ hiểu đơn giản gác đường ngang là chỉ đợi tàu gần đến để hạ barie, tàu đi thì nâng lên cho các phương tiện qua lại thì “Đu Đêm” tập 5 sẽ đưa khán giả hiểu rõ hơn người gác tàu nhiệm vụ nhiều hơn vậy và trách nhiệm cũng nặng hơn.
Theo chị Hường-người có 20 năm kinh nghiệm gác đường ngang để học việc, Thùy Tiên và WEAN đều bị “ngợp” trước lượng thông tin về quy trình, thao tác cần học. Trước khi tàu tới thì nhận thông tin qua điện thoại ra sao, bấm đèn kí hiệu gì, phân biệt cả từng loại tiếng chuông báo hiệu, canh giờ thế nào để điều hướng giao thông thông thoáng, quan sát dọn các chướng ngại để hạ chắn tàu,...
Điều khiến Thùy Tiên và WEAN áp lực nhất chính là điều tiết giao thông đông đúc, canh đúng giờ tàu sắp đến để hạ barie chuẩn vừa đảm bảo tàu chạy qua thuận lợi, vừa đảm bảo người dân tuân thủ dừng xe nghiêm túc, không ai cố tình vượt qua để dẫn tới những tai nạn không mong muốn. WEAN chia sẻ: “Tất cả mọi thứ người gác tàu phải sắp xếp đúng thời gian, từng phút, từng giây. Một cái nghề cần sự chính xác như vậy thì chị Hường phải rất tập trung”. Tuy vất vả nhưng chị Hường rất tâm huyết với nghề: “Mình đi làm, bản thân luôn tự hào, tự hứa có trách nhiệm với công việc, bản thân, xã hội, gia đình. Luôn đặt cái tâm vào đó để đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người, ở đây xác suất xảy ra tai nạn rất lớn”.
Chị Hường chia sẻ chính chị cũng từng bị đánh đến rách mặt vì người đi xe máy cố tình vượt rào dẫn đến va chạm với thanh chắn nên cãi vã, tấn công chị. Thực tế, Thùy Tiên cũng bị một phen hú hồn khi một xe máy cố tình lách qua khi barie sắp đóng xuống xong, hay đợi barie mở lâu quá thì có người khó chịu, cằn nhằn. Trước đó mạng xã hội cũng rúng động trường hợp người phụ nữ đánh nhân viên gác tàu mới ngày 1/1/2025 đây. Có thể thấy công việc này trách nhiệm lớn và nguy hiểm cũng luôn rình rập.
Thùy Tiên bày tỏ: “Khi làm mình mới biết tất cả những người gác tàu cũng không muốn làm chậm trễ thời gian của ai hết. Mình nghĩ sống ở trên cuộc đời nên có một sự thông cảm cho nhau hơn.”. WEAN cũng thể hiện sự lo lắng cho những người gác tàu: “Mình phải thỏa thuận với nhiều thứ không trong tầm kiểm soát, lớn nhất là phải thỏa thuận với con người và ý thức. Phải rất cứng cáp và mạnh mẽ mới làm được điều đó.”
Tết là thời gian cho gia đình, thế nhưng những người làm gác tàu ngang vẫn âm thầm, lặng lẽ ngày đêm phục vụ cho những chuyến tàu đem niềm vui sum họp đến mọi gia đình mọi miền. Chị Hường tâm sự: “Chị làm ở đây đã 20 năm, cả một thanh xuân của chị. Người gác tàu mỗi ngày làm 1 ca 12 tiếng, khi về nhà lo gia đình con cái thì thời gian nghỉ cũng không còn nhiều. Cái nghề này tới mùa tết là mùa cao điểm phục vụ, cường độ làm việc rất nhiều, mỗi ngày khoảng 40 chuyến tàu.Thời gian trống tàu, ban ngày sẽ đi làm vệ sinh nhổ cỏ, ban tối thì đi dọn rác ở giữa khe ray. Chị đã 14 năm chưa về quê ăn Tết, buồn chứ. Đứng ở đây nhìn mọi người trên tàu đi qua, lòng mình cũng trùng xuống nhớ tới ba mẹ cũng đang trông mình về ăn tết”. Tinh thần tích cực, sự yêu nghề của chị Hường đã truyền cảm hứng cho WEAN và Thùy Tiên rất nhiều.
Ở “Đu Đêm” khán giả thấy một WEAN không chỉ hài hước, nhiệt tình mà còn rất tinh tế chăm sóc cho Thùy Tiên, dịu dàng quan tâm chia sẻ những tâm tư với chị Hường. Trùng hợp trải nghiệm làm gác tàu ngang cũng gợi cho nam rapper một phần tuổi thơ sâu sắc. WEAN chia sẻ: “Tuổi thơ của mình cũng gắn với tàu hòa, ba mẹ với bà đưa đi đâu cũng là đi tàu hỏa. Trong ký ức của mình, những lần tiễn mẹ đi làm Sài Gòn mình sẽ luôn khóc và đợi đến ngày được ra ga đón mẹ về. Cái tàu là phương tiện nhiều kỉ niệm nhất với mình. Mình còn nhớ hồi xưa đi tàu với bà nội còn trải chiếu ra nằm ở băng để chân. Lúc đó mình cứ nằm hát, nghĩ ra gì thì hát thôi… đến sau này mới nhận ra đó là freestyle. Mình chơi rap cũng bắt đầu từ freestyle, mở beat lên trong đầu nghĩ gì rap đó.”.
Trải nghiệm đi dọn rác bốc được “vật thể lạ” khiến WEAN đỏ mặt, hay nhặt được xếp vé số hào hứng đi dò rồi hụt hẫng,... đều sẽ là những kỷ niệm thú vị với WEAN và Thùy Tiên trong hành trình “Đu Đêm”. WEAN đã rất hy vọng xấp vé số đó trúng để có thể dành cho chị Hường. Tổng kết lại Thùy Tiên và WEAN bên cạnh chia sẻ chuyện đời, chuyện nghề của những người làm gác tàu ngang cũng muốn nhắn gửi hy vọng mọi người khi tham gia giao thông hãy kiên nhẫn, ý thức hơn cho mình và người khác đều an toàn.
“Đu Đêm” mùa 3 chính thức khép lại sau hành trình Thùy Tiên đi làm gác tàu. Mùa 3 với dàn khách mời gồm các anh trai HURRYKNG, Pháp Kiều, RHYDER, Quang Trung, WEAN cùng Thùy Tiên đi trải nghiệm các nghề nghiệp bán vàng mã, khắc dưa, bán củ kiệu, bán hoa tết, làm gác tàu đã nhận về nhiều phản hồi, lượt thảo luận tích cực của người xem.
Tuy nhiên, trước khi tập 5 lên sóng Thùy Tiên và WEAN “bùng nổ” viral với đoạn nhạc ngắn có giọng rap của WEAN và giọng hát của Thùy Tiên. Và trong tập 5 cũng đã tung hint một đoạn nhỏ khiến dân tình suy đoán liệu có một sự kết hợp mới cho bài hát chủ đề của “Đu Đêm” mùa 3.