Trang chủ / TRUYỀN HÌNH / TV SHOW / Thần Tài Gõ Cửa: Chồng bị lao phổi, vợ hở van tim và nghị lực phi thường vượt lên số phận
Thần Tài Gõ Cửa: Chồng bị lao phổi, vợ hở van tim và nghị lực phi thường vượt lên số phận
1472 lượt xem
18-04-2023
TV SHOW

Cố gắng miệt mài bên công việc may vá, người mẹ khiếm khuyết chỉ mong sao đủ sức lèo lái con thuyền gia đình sớm đến bến đổ bình an.

Chương trình Thần Tài Gõ Cửa số 674 là chuyến vi hành của Thần Tài (DV Đình Toàn) và Vợ Thổ Địa TP.HCM (DV Hương Giang) đến khu Kim Sơn, thị trấn Long Thành, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai để tìm hiểu về chuyện gia đình chị Phan Thị Lành (1969).

Bị khuyết tật chân từ cơn sốt phát ban thuở nhỏ, dù gia đình đã hết lòng chạy chữa nhưng chị Lành vẫn không thể đi lại bình thường. Thế nên việc học văn hóa với chị rất gian nan. Năm 15 tuổi, chị có niềm đam mê với máy may, kim chỉ và cũng chính từ đó, ấp ủ được trở thành người thợ may vén khéo trong chị ngày một lớn dần.

Có thể là hình ảnh về 2 người, mọi người đang học và bàn cờ

Năm 23 tuổi, chị ra nghề và bắt đầu có 1 cửa tiệm riêng tại nhà. "Cửa tiệm" nhỏ chỉ vỏn vẹn 1 cái máy may gia đình đã cũ và sự tỉ mẫn, siêng năng của người phụ nữ hiền lành.

Năm 2001, chị gặp gỡ và kết hôn với anh Nguyễn Văn Sơn (1962), một năm sau con gái Nguyễn Thanh Thúy (2002) chào đời. Cố gắng vun đắp cho tổ ấm nhỏ không được bao lâu thì biến cố ập đến. Anh Sơn kể: "Lúc đó tôi đang làm phụ hồ, xong ho ra máu. Đi khám thì bác sĩ nói bị lao phổi, biến chứng sang suyễn. Gia đình nghèo quá đâu có tiền chữa trị theo phác đồ, phải nhờ bà con thương tình, mỗi người cho 1 ít. Từ đó đến nay không làm việc nặng được, vì làm là nó thở dữ lắm".

Vừa chăm sóc chồng, chị Lành vừa cố gắng tranh thủ may vá để gồng gánh gia đình. Thế nhưng, không lâu sau, sức khỏe của người trụ cột còn lại là chị cũng lao dốc. Chị Lành tâm sự: "Tôi bị hở van tim 3 lá ngày một nặng hơn. Lắm lúc mệt, muốn nói với khách hàng là xin nghỉ 1 vài tháng đợi khỏe rồi làm lại nhưng qua đến hôm sau thấy người đỡ đỡ là lại ngồi vào bàn may. Mình nghĩ hễ mình cứ suy nghĩ tới bệnh của mình thì nó càng nặng thêm, thôi khỏi suy nghĩ, cứ lo may đi rồi từ từ quên cái bệnh của mình. Có như vậy mới có tiền cơm cháo qua ngày, có tiền lo cho con gái ăn học".

Năm 2020, con gái Thanh Thúy đậu đại học chuyên ngành Kế toán ở trường Đại học Lâm Nghiệp, tỉnh Đồng Nai. Vợ chồng chị Lành phải vay mượn 70 triệu để đóng học phí, mua trả góp laptop cho con tiện bề học tập. Thương mẹ vất vả, Thúy tranh thủ nhận việc nhập liệu máy tính để kiếm thêm chi phí trang trải học hành.

Có thể là hình ảnh về 2 người, bàn là và máy may

Có thể là hình ảnh về 2 người

Thúy nói: "Ba mẹ gánh nợ nhiều và bệnh nữa nên con cảm giác thương ba mẹ nhiều hơn, con chưa có công việc ổn định. Công việc làm thêm chỉ kiếm được 2 triệu/ 1 tháng, chưa lo được kinh tế nên lỡ mà có chuyện gì thì con chưa đỡ đần ba mẹ được. Mong muốn của con là kết thúc việc học sớm và tìm công việc ổn định, có lương ổn định để lo cho ba mẹ"

Thương con ngày một hiểu chuyện, người làm cha làm mẹ như anh chị lại quên đi những cơn đau nhức mà ra sức làm việc không ngơi nghỉ. Ngoài nhận may theo yêu cầu, chị Lành nhận thêm sửa chữa quần áo. Anh Sơn cũng phụ giúp vợ tháo chỉ, đơm nút, tất bật đi mua phụ liệu, giao nhận hàng để chị Lành yên tâm may vá.

Thế nhưng, tiền công chỉ vỏn vẹn 15-20 ngàn/ 1 lần thay dây kéo, lên lai quần áo không đủ chi trả cho những khoảng chi phí không tên. Số khách đặt may theo yêu cầu cũng dần ít đi. Ước mơ sửa sang lại căn nhà đã không đủ kiên cố cũng đành gác lại.

Có thể là hình ảnh về 1 người và đang học

Có thể là tranh biếm họa về 2 người và TV

Có thể là hình ảnh về 3 người và trang phục

Anh Sơn nói: "Nhà này xây từ năm 2003, là nhà tình thương, được cho 5 triệu, tôi tự trộn hồ rồi kêu thêm 1 người thợ xây để xây. Bà con có người cho cửa, người cho bàn ghế, 2-3 bao xi măng... mới xây được tới như vầy. Xây nhà là phải đúc móng cho chắc mới xây được nhưng đúc thì hết tiền nên xây gạch không, bỏ móng luôn nên giờ tường nó nứt. Giờ phải chắp vá lại, sửa được phần nào hay phần đó. Nhưng con bé giờ đang đi học rất cần tiền ăn, tiền học nên việc sửa lại nhà cứ để đó".

Nỗi lo về một chỗ ở vững chãi vẫn cứ đau đáu, hành trình nối dài con chữ của con gái lại lắm chông gai, trái tim của người mẹ càng thêm lạc nhịp.

Thương cho ước mơ của đôi vợ chồng nghèo, các vị thần quyết lòng giúp đỡ. Nhờ sự cố gắng, nỗ lực vượt qua thử thách của gia đình chị Thúy, anh Sơn đã mang về cho gia đình mình 41 triệu đồng. Với số tiền này, gia đình anh chị đã có thêm chi phí để trang trải cuộc sống và sửa sang lại căn nhà.

Chương trình Chuyến Xe Nhân Ái do Đài Truyền hình Vĩnh Long thực hiện. 

TAGS: