Trang chủ / ĐIỆN ẢNH / ĐIỆN ẢNH QUỐC TẾ / OÁN LINH - SỰ TRẢ THÙ CỦA MA QUỶ HAY TÂM LÝ BẤT ỔN CỦA NGƯỜI MẸ?
OÁN LINH - SỰ TRẢ THÙ CỦA MA QUỶ HAY TÂM LÝ BẤT ỔN CỦA NGƯỜI MẸ?
1639 lượt xem
24-11-2023
ĐIỆN ẢNH QUỐC TẾ

Bị mắc kẹt trong “lồng giam” ở cữ, cái giá nào phải trả cho sự tự do của hai mẹ con Si Ling (Rebecca Lim thủ vai) trong Oán Linh?

Oán Linh - tác phẩm kinh dị mới nhất của đạo diễn, biên kịch Kevin Tong - kể về giai đoạn ở cữ của Si Ling. Sau khi đạt được giải thưởng lớn về hội họa, Si Ling chuyển vào nhà mới để chuẩn bị chào đón đứa con đầu lòng. Cô thuê một người bảo mẫu chăm sóc hai mẹ con trong một tháng ở cữ và cũng từ đó, những quy tắc người bảo mẫu Ah Qing (Cynthia Koh thủ vai) đưa ra cùng những hiện tượng kỳ lạ liên tục xảy ra trong ngôi nhà đã đẩy Si Ling vào vô vàn bi kịch.

Những sự cực đoan của việc ở cữ từ người bảo mẫu, vấn đề sau sinh được khắc họa rất rõ những nổi sỡ thường nhật.

Xuyên suốt câu chuyện, người xem và chính bản thân Si Ling đều cho rằng mọi chuyện cô gặp phải là vì cô xui xẻo chuyển vào một căn nhà bị ma ám. Tuy nhiên, khi nỗi sợ của Si Ling bùng nổ và cô tìm cách thoát khỏi ngôi nhà đang giam giữ mình để bảo vệ con, tấm màn quá khứ bỗng được đạo diễn Kevin Tong ‘vén ra’ nhằm trả lời cho mọi thắc mắc bấy lâu nay của Si Ling. Cú twist bất ngờ về thân thế thực sự của Si Ling và người bảo mẫu Ah Qing ở nửa sau bộ phim là điểm nhấn của Oán Linh.

Rebecca Lim khắc họa được nổi đau tinh thần và thể xác của người mẹ vừa sinh con

Nửa đầu, nhịp phim có phần chậm rãi khi quá khứ đau khổ ở cô nhi viện cũng như hoàn cảnh đã đưa đẩy Si Ling dọn vào căn nhà bị bỏ trống kia được hé lộ. Sang đến nửa sau, khán giả bị lôi kéo vào không gian ngột ngạt và u uất khi hàng loạt tình huống rùng rợn cứ dồn dập xảy đến. Cuối phim, khi những bí mật đen tối được gợi mở, hình ảnh quá khứ và hiện tại đan xen giúp người xem xâu chuỗi lại các tình tiết. Mọi hành động của các nhân vật tưởng như rời rạc hóa ra đều có liên kết chặt chẽ, làm nổi bật chủ đề quả báo nhãn tiền. Không có gì là ngẫu nhiên, nhân vật được xây dựng hình tượng một cô gái đáng thương như Si Ling cũng có những khía cạnh u tối và nghiệp được gieo từ rất lâu về trước quay về chờ cô hoàn trả.

Ngoài ra, tác phẩm cũng gợi lên những vấn đề luôn là nỗi trăn trở của những người phụ nữ sau sinh như các hủ tục ở cữ cực đoan và trầm cảm sau sinh. Từ khi chuyển đến nơi ở mới, bà mẹ đơn thân Si Ling gặp đủ chuyện trắc trở, từ sinh non đến tắc sữa. Cùng lúc đó, Ah Qing lại đưa ra nhiều quy tắc như không ra ngoài, không tiếp khách, không tắm rửa, không được gần gũi với chồng và chỉ được ăn đồ do người bảo mẫu nấu. Các hủ tục này được Ah Qing ví von như chiếc kén bảo vệ người phụ nữ mới sinh và mỗi lần Si Ling ‘phá kén’ không nghe lời là một lần tính mạng của đứa bé bị đe doạ. 

Ngay cả khi Si Ling nói chuyện với bảo mẫu về những hiện tượng ma quái cô chứng kiến, người bảo mẫu lại một mực phủ nhận, cho rằng đó là do cô không chịu nghe lời kiêng cữ mà thành. Vừa chịu cảnh giam lỏng vừa phải đối mặt với những chuyện quái dị xảy ra trong ngôi nhà, Si Ling ngày càng kiệt quệ về cả thể xác lẫn tinh thần, cô chìm vào sự mơ hồ giữa thực tế và ảo ảnh, tựa như bị trầm cảm sau sinh. Diễn xuất trau chuốt của nữ diễn viên người Singapore Rebecca Lim cũng góp phần tô điểm, khắc họa trọn vẹn tâm lý nhân vật. Đầu phim, Si Ling là cô gái mang nét u buồn vì những lo toan trong cuộc sống nhưng càng về sau, sự nhẹ nhàng, trầm lặng biến thành tiều tuỵ, hay cáu gắt, gợi sự thương cảm của người xem.

Dù phải chịu nhiều giày vò tinh thần về mặt tinh thần, Si Ling vẫn quyết liệt bảo vệ đứa con bé bỏng. Trong mắt người khác, Si Ling và tâm lý bất ổn của cô là mối nguy hại cho đứa bé nhưng mỗi khi tiếng khóc của con vang lên, Si Ling mới chính là người bất chấp tất cả để ôm con vào lòng. Từ đó giúp khán giả hình dung được tình mẫu tử thiêng liêng bên cạnh yếu tố kinh dị, đẫm máu, đặc biệt là những người đã làm mẹ sẽ càng dễ thấy bản thân mình trong nhân vật này. 

Oán Linh khởi chiếu tại các cụm rạp trên toàn quốc từ ngày 24.11.2023.

TAGS: