Trang chủ / TRUYỀN HÌNH / TV SHOW / Nhạc sĩ Hoài An ước tính thu âm và kiệu ca cho ca sĩ khoảng vài nghìn lần trong suốt nhiều thập kỷ làm nghề
Nhạc sĩ Hoài An ước tính thu âm và kiệu ca cho ca sĩ khoảng vài nghìn lần trong suốt nhiều thập kỷ làm nghề
1863 lượt xem
29-05-2024
TV SHOW

Trong tập 95 chương trình Kính Đa Chiều, nhạc sĩ Hoài An tiết lộ về niềm đam mê với thể loại âm nhạc dân gian sau khi được nghe cố nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo đánh đàn.

Nhạc sĩ Hoài An là một cái tên không còn xa lạ với những người yêu nhạc Việt Nam. Đặc biệt trong giai đoạn Làn Sóng Xanh, những sáng tác của anh luôn nằm trong top thịnh hành và có sức sống mãnh liệt đến ngày hôm nay. Về sau, nam nhạc sĩ dần mở rộng lĩnh vực sáng tác khi chuyển sang viết nhạc sử ca và đưa chất liệu dân gian vào trong âm nhạc của mình. Bằng cách học nhạc cụ dân tộc và đưa chất liệu dân gian vào âm nhạc, nam nhạc sĩ đã mở ra một chương mới đầy màu sắc trong sự nghiệp của mình và gặt hái được nhiều thành công.

Chia sẻ về sức hút thú vị của chất liệu âm nhạc dân gian, nhạc sĩ Hoài An cho biết: “Âm nhạc dân gian có sức hút vô cùng mãnh liệt đối với tôi, nhưng cách thể hiện của mỗi người mỗi khác. Tôi cũng học hỏi rất nhiều, đa phần là tự học và may mắn gặp được rất nhiều thầy giỏi như cố nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo. Tiếc là thời gian gặp không được nhiều nhưng thầy thương nên có đánh cho tôi nghe tiếng đàn kìm, đàn tranh”.

Khi nghe ngón đàn của cố nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, nhạc sĩ Hoài An cảm thấy trái tim đầy thổn thức theo từng nhịp. Nhạc sĩ Hoài An nhớ lại khoảnh khắc rung động khi cố nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo gảy đàn. Ở tuổi 102 – 103, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo vẫn giữ được tinh thần minh mẫn và chơi đàn điêu luyện. Chính những giai điệu từ cây đàn của cố nhạc sư đã khơi dậy trong Hoài An một niềm đam mê và cảm hứng mạnh mẽ đối với âm nhạc dân gian.

Nhạc sĩ Hoài An thổ lộ: “Tay mình đánh đàn còn đau nhưng ngón đàn của thầy tạo ra những rung động rất lớn. Có thể suốt cuộc đời tôi cũng không học được ngón đàn đó nhưng tôi học được ý nhỏ trong đó. Những chất liệu như luyến láy, nốt rung này có thể đưa vào ca khúc mới sao cho phù hợp hoặc tôi có thể kiệu ca, hướng dẫn cho ca sĩ rung nhấn với những bài hát mang âm hưởng dân ca đúng như chất đó”.

Sở dĩ, nhạc sĩ Hoài An đa phần làm việc ở studio, do đó anh không thể nhớ chính xác con số mà anh đã thu âm và kiệu ca cho ca sĩ bao nhiêu bài hát. Theo nam nhạc sĩ, nếu tính con số khoảng vài nghìn cũng là bình thường vì anh làm nghệ thuật đã được vài thập kỷ.

Ngoài ra, nhạc sĩ Hoài An còn tiết lộ chất liệu âm nhạc dân gian tại Việt Nam rất đa dạng. Mỗi vùng miền của Việt Nam đều có những chất liệu âm nhạc dân gian khác nhau. Từ Tây Bắc đến miền Trung với nhạc lễ, nhạc cung đình, hay Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long với nhạc Chăm, nhạc Khmer đều có giai điệu đặc trưng. Theo nam nhạc sĩ, chất liệu âm nhạc dân gian ở Việt Nam phong phú và độc đáo, tuy nhiên điều quan trọng là phải tìm hiểu và chọn lọc để phù hợp với chủ đề sáng tác.

Nhạc sĩ Hoài An lấy ví dụ khi sáng tác về đề tài các Chúa Mường hỗ trợ triều đình chống quân xâm lược, nam nhạc sĩ phải tìm hiểu âm nhạc Mường. Tuy nhiên, nhạc sĩ Hoài An không chỉ dừng lại ở việc học hỏi và tái hiện âm nhạc dân gian theo cách truyền thống. Anh chọn cách kết hợp giữa chất liệu dân gian, tinh thần dân tộc ấy với tiết tấu hiện đại để tạo ra sản phẩm âm nhạc vừa mang tính truyền thống vừa hợp thời. "Công thức của tôi là ban nhạc, bộ gõ có thể hiện đại nhưng chất liệu âm nhạc chủ đạo thì vẫn là nhạc cụ dân tộc và cũng chính là chất liệu dân gian”, nhạc sĩ Hoài An chia sẻ.

Nam nhạc sĩ nhấn mạnh tùy trường hợp mà đưa những chất liệu âm nhạc dân gian vào tác phẩm một cách phù hợp. Chẳng hạn, trong ca khúc Đức Thánh Trần (Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn), nhạc sĩ Hoài An dành một đoạn riêng cho âm nhạc dân tộc. Khi đó, toàn bộ âm nhạc hiện đại “rút lui” để nhường chỗ cho một nhóm nhạc cụ dân tộc, tạo nên điểm nhấn đậm màu âm nhạc dân gian truyền thống.

Bật mí về số nhạc cụ dân tộc mà nam nhạc sĩ chơi được, Hoài An khiêm tốn cho biết anh chỉ thật sự thành thạo đàn tỳ bà và đàn nguyệt khi có thể nhìn bản nhạc và gảy theo, còn những nhạc cụ khác thì dừng ở mức cơ bản. Tác giả ca khúc Tình thơ lấy ví dụ khi kéo đàn nhị cũng ra âm thanh nhưng tỷ lệ nốt phô nhiều hơn nốt chuẩn xác. Theo nhạc sĩ Hoài An, mỗi nhạc cụ là một cánh cửa để bước vào khám phá thế giới mới.

Chẳng hạn khi nhạc sĩ Hoài An sáng tác ca khúc Chuyện thành Cổ Loa có sử dụng âm thanh của đàn tam thập lục ở đoạn “Chuyện ngày xưa nước Âu Lạc thanh bình…” thì anh phải tưởng tượng ra đoạn nhạc ấy để người chơi đàn có thể gãy theo. Theo Hoài An, nếu tự bản thân của người nhạc sĩ có thể tự chơi đàn thì càng tốt vì có thể hiểu thêm về nhạc cụ này.

Nhạc sĩ Hoài An cho biết: “Ví dụ tôi chưa thật sự đánh đàn tam thập lục nhưng tôi phải hiểu tính năng của nhạc cụ này để có thể viết nhạc, cho dù tôi chưa có technics, kỹ thuật chơi đàn. Đây là một cơn ghiền không có hồi kết, có nghĩa là đã mê nhạc cụ thì trước sau cũng sẽ đi qua từng nhạc cụ”.

Việc pha trộn âm nhạc dân tộc vào nhạc hiện đại không phải lúc nào cũng được đón nhận một cách tích cực. Tuy nhiên nhạc sĩ Hoài An bật mí đa số khán giả đều ủng hộ và khuyến khích anh sáng tác thêm nhiều tác phẩm mới. Song, nam nhạc sĩ cũng thừa nhận rằng có những ý kiến trái chiều về vấn đề này. Nhưng điều quan trọng đối với anh là sự tâm huyết trong từng tác phẩm và nam nhạc sĩ luôn luôn nghe những lời góp ý tích cực lẫn những lời chê trách để ngày càng hoàn thiện bản thân.

Nhạc sĩ Hoài An nhấn mạnh: “Cuộc đời luôn tồn tại ít nhất một người thương mình và một người không thích mình. Không có gì trên đời này là chắc chắn nhưng riêng điều này là chắc chắn tồn tại một mặt tích cực và một mặt tiêu cực. Là người nhạc sĩ, người sáng tạo, tôi sẽ lắng nghe tất cả những lời góp ý tích cực, còn những đánh giá chê trách nếu đúng thì càng phải trân trọng vì họ chỉ ra điểm sai, điểm chưa đúng. Đối với những đánh giá chưa đủ các yếu tố chuyên môn thì tôi vẫn bình tĩnh đón nhận. Là người làm nghệ thuật, tôi phải cố gắng nâng cao kiến thức, luôn luôn tự học, cập nhật thêm kiến thức, học hỏi với đồng nghiệp và lắng nghe những ý kiến đóng góp để hoàn thiện bản thân”, nam nhạc sĩ bộc bạch.

Qua những lời tâm sự của Hoài An, có thể thấy anh là một nhạc sĩ tâm huyết với nghệ thuật, đặc biệt đối với âm nhạc dân gian. Bằng cách không ngừng học hỏi và sáng tạo, nam nhạc sĩ mang đến những tuyệt phẩm đậm chất truyền thống cũng như cống hiến vào kho tàng âm nhạc đương đại của nước nhà.

Cuối chương trình, host Minh Đức gửi lời cảm ơn đến nhạc sĩ Hoài An và chúc anh ngày càng thành công hơn nữa cùng niềm đam mê cháy bỏng với chất liệu âm nhạc dân gian.

Kính Đa Chiều là chương trình talkshow sở hữu format mới lạ và đầy hấp dẫn. Mỗi tập phát sóng của Kính Đa Chiều sẽ cùng bàn luận, đối thoại về một chủ đề hoặc một sự kiện đang được quan tâm xoay quanh những câu chuyện về văn hóa. Các khách mời đến với chương trình đều là những nghệ sĩ nổi tiếng, được khán giả mến mộ. Chương trình hứa hẹn mang đến cái nhìn đa chiều thông qua những cuộc đối thoại sâu sắc, thảo luận và chia sẻ quan điểm dưới góc nhìn của người trong cuộc.

Kính Đa Chiều chủ đề tiếp theo Đôi nét về đờn ca tài tử Nam Bộ với host Lê Hoàng và diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang sẽ được phát sóng vào lúc 20h ngày 29/5 trên kênh VTV9. Chương trình do VTV9 phối hợp cùng Jet Studio thực hiện.

TAGS: