Người Thứ 3 tuần này xoay quanh câu chuyện hôn nhân của chị M (30 tuổi) ở TP.HCM cam chịu sống cảnh chồng trăng hoa năm lần bảy lượt.
Trò chuyện với tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A, chị M kể, khi chị đang học cao đẳng thì chị quen chồng mình. Lúc đó chị 22 tuổi, xin được việc làm trong sân bay. Nửa năm sau chị gặp được chồng đang làm hải quan trong sân bay. Anh cho chị niềm tin anh là một người đàn ông tốt, tuy anh không phải là người lãng mạn, ngọt ngào, nhưng anh quan tâm chị bằng hành động cụ thể, ví dụ như chở chị đi shopping và trả tiền mua sắm, chị bệnh anh mua thuốc và đồ ăn đến... Sau bốn năm tìm hiểu, cả hai quyết định cưới nhau.
Sau khi cưới, hai vợ chồng có cuộc sống hạnh phúc, vui vẻ. Đến năm con chị M được 3 tuổi thì biến cố xảy đến. Chị có cài icloud của anh vào ipad của con để con xem hoạt hình. Hôm đó, bỗng dưng 4 giờ sáng ipad có tin nhắn lạ: “Em đến rồi, anh ra đón em nhé!”. Và thỉnh thoảng lại có những tin nhắn của nhiều cô gái khác nhau, thậm chí có cả cô gái gởi hình ăn uống nhưng vài giờ sau thì tự xóa. Chị M nghĩ chồng mình “ăn chơi qua đường”, và quan niệm “không biết thì không đau” nên cố phớt lờ, anh làm gì cũng được miễn có trách nhiệm với vợ con.
Tuy nhiên, chị M vẫn gắn định vị vào xe anh. Một hôm chị phát hiện, định vị không ở sân bay mà ở quận 5. Lúc đó là 12 giờ đêm, chị M không thể bỏ hai con nhỏ ở nhà để đi tìm chồng, nên có nhờ mẹ ruột ra chỗ đó xem chồng đang ngồi với ai. Khi mẹ vợ ra đến nơi thì bắt gặp con rể đang ngồi với ba cô gái, trong đó con rể đang ôm ấp một cô. Bà đứng chết trân, nhưng không làm ầm ĩ, chỉ nói với tiểu tam rằng: “Tôi là mẹ vợ, anh này là con rể tôi, cô đừng qua lại với con rể tôi nữa”. Tuy nhiên, tiểu tam không nể nang gì, còn lên tiếng nói: “Cô về dạy con gái cô, nếu con gái cô ngon thì con rể cô không đi với người khác”.
Nói về lý do mẹ vợ không làm ầm ĩ, là bởi vì chính bản thân bà cũng từng lấy một ông chồng trăng hoa. Ngày trước bà nghèo khổ, lấy người chồng là con của chủ. Chồng bà trăng hoa với rất nhiều người, thậm chí là với bạn thân của bà. Bà không muốn con rể bị mất danh dự, mất việc, rồi gia đình tan vỡ. Bà không muốn cháu ngoại của mình bơ vơ.
Sau khi bị bắt gặp ngoại tình, chồng chị M không về nhà với vợ, mà đến khách sạn, do chị M có cài định vị trong xe anh. Khoảng mấy tiếng sau chồng chị M mới về nhà rồi phân trần rằng, anh đi gặp khách hàng trong sân bay, anh xấu hổ khi gặp mẹ vợ trong tình cảnh như vậy. Biết chồng giả dối nhưng chị M chỉ im lặng vì chị không thể tiết lộ chị cài định vị trên xe anh.
Ngựa quen đường cũ, chồng chị M vẫn không dừng lại thói trăng hoa. Sáu tháng sau, trong một lần chị M lên xe hơi của gia đình, thì thấy ghế bị lệch, đồ đạc bị đảo lộn. Chị bật camera hành trình lên thì nghe được đoạn ghi âm của chồng mình và nhân tình: “Sao hôm nay em ăn giỏi thế, em ăn đồ nướng xong mà em còn uống sinh tố được nữa hả?”, và tiếng của cô nhân tình nũng nịu: “Chời ơi, anh làm em no quá, em thở không nổi”.
Một lần khác, thấy chồng không ở chỗ làm mà đang ở định vị khác, nên chị M đi tới thì thấy chồng và nhân tình đang ngồi ăn lẩu nướng. Đôi bên nói qua nói lại, chị M lớn tiếng rồi tạt nồi lẩu vô người nhân tình. Đắng cay là chồng chị M không về với chị mà chở nhân tình về nhà. Chị M uất nghẹn nói với tiến sĩ Tô Nhi A: “Em buồn đến nỗi không khóc được”.
Về đến nhà, chị M nhìn hai đứa con mà trong lòng xót xa. Khi còn nhỏ, chị M từng bị cô ruột miệt thị “Con không cha như nhà không nóc” và bị ba dượng đánh, nên chị M rất sợ nếu con chị không có cha thì cuộc đời sẽ khổ giống chị. Có lần chị M thắc mắc với chồng rằng “Tại sao anh có người thứ 3?” thì chồng chị M trả lời tỉnh bơ: “Tại nó ngon”.
Nghe câu chuyện của chị M, tiến sĩ Tô Nhi A nói: “Một em bé trong một gia đình có cha mẹ bình thường nhưng cha đi đâu rất nhiều ngày không về, còn mẹ là những giọt nước mắt thở dài, thì đó cũng không phải là bầu không khí tích cực dành cho các con. Em có nỗi đau thể chất trong quá khứ nhưng con em là nỗi đau về tinh thần. Nếu em không muốn quá khứ của mình lặp lại cho con mình, em muốn bảo vệ tương lai cho con mình, thì đó là quyền của em, nhưng cuộc sống chung của chồng em và em phải được tính toán. Nếu em xác định chồng em không bạo hành, có lo kinh tế gia đình, chồng có thương con, có dành thời gian cho con, gia đình có những cuộc sinh hoạt chung thì tôi ủng hộ việc em không ly hôn, nhưng em phải sống với tâm thế duy trì sự ổn định cho các con và dành thời gian phát triển bản thân mình. Em nên đẹp hơn mỗi ngày, em không cần tập trung vào các cuộc tình trăng gió của chồng nữa mà dành thời gian để học gì đó mới, chơi cùng với con, chăm sóc gia đình. Em phải biết quản lý tiền bạc để lo cho tương lai của con. Em làm tốt chuyện của mình, còn chồng em thế nào thì em không chắc được. Ảnh có quay về hay không, hay chia tay cô này vài hôm lại có cô khác, điều này em không chắc được”.
Sau khi nghe tiến sĩ Tô Nhi A tham vấn, chị M cho biết bản thân chị đủ khả năng nuôi được hai con nhưng chị không muốn con thiếu thốn tình thương của cha, nên chị M sẽ không ly hôn chồng mà chọn cách sống chung với một người chồng trăng hoa. Chị M không bật đèn lộ diện và muốn gởi đến thông điệp dành cho những người phụ nữ gặp hoàn cảnh giống chị: “Hãy chủ động trong cuộc sống, tự lập về kinh tế, yêu thương bản thân, dũng cảm hơn em để bước ra cuộc sống hôn nhân”.
Trước quyết định của chị M, tiến sĩ Tô Nhi A bày tỏ: “Rời đi hay ở lại chỉ có người trong cuộc hiểu được cái nào là cái khó khăn hơn đối với họ và điều gì là quan trọng nhất để họ gìn giữ. Chúng tôi không ngồi đây với vai trò nhà tham vấn, dù là nhà tham vấn cũng không đưa ra quyết định cho thân chủ của mình. Chúng tôi làm đúng phận sự của mình, là một câu chuyện được kể có người lắng nghe, góp thêm góc nhìn để người trong cuộc dễ dàng tự tin chọn lựa quyết định và theo quyết định đó sang trang mới của cuộc đời hạnh phúc hơn, bình an hơn”.
Người Thứ 3 được phát sóng định kỳ vào lúc 20h thứ ba hàng tuần trên kênh YouTube Jet TV Show. Chương trình do Jet Studio thực hiện.