Tuần này, chương trình Lời Cảnh Báo tiếp tục cập nhật những vấn đề được quan tâm trong thời gian gần đây như: Lừa đảo thông qua hình thức xin việc, lớp học kĩ năng miễn phí.
Lừa đảo thông qua hình thức xin việc
Tìm kiếm công việc phù hợp để có thu nhập là nhu cầu thiết yếu của người lao động, tuy nhiên trong quá trình này nhiều người đã trở thành nạn nhân của các hình thức lừa đảo tinh vi, luôn biến đổi liên tục. Giả mạo những thương hiệu lớn để tuyển cộng tác viên làm việc tại nhà, tuyển dụng nhân viên rạp chiếu phim là hàng loạt các chiêu trò lừa đảo tìm kiếm việc làm trong thời gian gần đây mà nhiều người có nhu cầu tìm việc gặp phải.
Em N.Q.A (sinh viên ở TP.HCM) cho biết vì có nhu cầu làm thêm nên đã lên các trang mạng tìm kiếm việc làm và đọc được thông tin tuyển dụng vị trí thu ngân rạp chiếc phim, nếu làm tốt thu nhập sẽ lên đến 10 triệu đồng một tháng. Tuy nhiên ứng viên phải đóng phí giữ chỗ và đồng phục 850.000 đồng, sau khi liên lạc và nghe tư vấn với những lời giới thiệu hấp dẫn nên em A đã đóng phí, sau đó em được hẹn thử việc vào ngày hôm sau nên càng tin tưởng. “Họ đưa thông tin địa chỉ cho tôi, ngày hôm sau tôi đến thì không thấy công ty nào, tin nhắn đó thì đã bị thu hồi, liên lạc cũng không được”, em A cho biết.
Thạc sĩ Phạm Thế Châu (Chuyên gia Kỹ năng sống) chia sẻ: “Sinh viên có thể tìm được những công việc uy tín thông qua bạn bè, thầy cô hoặc có thể tham khảo từ văn phòng Đoàn trường nơi mà các bạn đang theo học và các trung tâm quan hệ doanh nghiệp”.
Dấu hiệu của lừa đảo là các đối tượng này sẽ đưa ra những công việc rất đơn giản nhưng có thu nhập cao. Đề nghị sinh viên đóng tiền cọc để giữ chỗ và yêu cầu mở tài khoản ngân hàng để chuyển khoản nội bộ. Khi đến phỏng vấn thì nơi đó không phải là trụ sở, văn phòng của công ty. Cách thức lừa đảo thông qua hình thức xin việc hiện nay rất đa dạng và tinh vi, chiêu trò phổ biến nhất là yêu cầu ứng viên nộp phí xử lý hồ sơ hoặc phí đào tạo trước khi bắt đầu công việc. Bên cạnh đó kẻ gian còn giả danh các công ty uy tín để tổ chức các buổi phỏng vấn giả để thu thập thông tin cá nhân nhạy cảm của ứng viên như số tài khoản ngân hàng, số căn cước công dân, email, địa chỉ nhà và cả thông tin người thân. Ngoài ra các đối tượng này còn đăng tin tuyển dụng với mức lương hấp dẫn, yêu cầu ứng viên phải mua sản phẩm hoặc tham gia vào các kế hoạch kinh doanh không rõ ràng. Nguy hiểm hơn, các đối tượng này còn thông qua quá trình tuyển dụng online để gửi những đường link chứa mã độc nhằm chiếm quyền điều khiển thiết bị di động của sinh viên nếu họ không cảnh giác mà bấm vào.
Chị N.T.T. (TP.HCM) cho biết: “Khi trao đổi thông tin việc làm trên Facebook thì họ xin số Zalo của tôi, sau khi kết bạn họ gửi cho tôi một đường link để tham gia vào nhóm trò chuyện kín. Tôi bấm vào đường link đó thì thông tin cá nhân của tôi bị lộ theo”.
Luật sư Lê Trung Phát (Đoàn Luật sư TP.HCM) khuyến nghị: “Khi tiếp cận những thông tin hoặc các kênh trang mạng xã hội, chúng ta cần kiểm chứng trước khi liên lạc và thực hiện những yêu cầu của các đối tượng này. Khi đến những nơi mà họ đưa ra những yêu cầu như phải đóng một khoản tiền hoặc phải mua các trang thiết bị thì đó là những dấu hiệu nạn nhân đã rơi vào bẫy lừa đảo, tuyệt đối không nên làm theo”.
Những hành vi lừa đảo này không chỉ gây thiệt hại về tài chính, tinh thần mà còn làm mất thời gian, niềm tin của người xin việc. Đồng thời việc cung cấp thông tin cá nhân cho kẻ lừa đảo còn có thể dẫn đến rủi ro rò rỉ thông tin và bị sử dụng cho nhiều mục đích xấu khác.
Để bảo vệ bản thân, người tìm việc cần kiểm tra kỹ lưỡng thông tin tuyển dụng, xác minh độ tin cậy của nhà tuyển dụng và cẩn trọng với những lời mời hấp dẫn nhưng thiếu minh bạch hoặc bắt đóng tiền trước khi làm việc. Ngoài ra việc chia sẻ kinh nghiệm và cảnh báo cho nhau về những chiêu trò lừa đảo cũng là cách hiệu quả để hạn chế các vụ việc tương tự có thể xảy ra.
Bẫy lừa từ những lớp học kĩ năng miễn phí
Thời gian gần đây trên các mạng xã hội liên tục xuất hiện các khóa học kỹ năng miễn phí, từ các khóa đào tạo việc kinh doanh, bổ trợ học tập và các khóa làm đẹp, kỹ năng mềm. Bên cạnh những khóa học ý nghĩa mang đến nhiều giá trị cho người học, có không ít khóa học đã được dựng lên nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Gắn mác miễn phí, nhưng khi tham gia vào các lớp học này, học viên lại rơi vào cảnh mất tiền bởi nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi.
“Các khóa học đào tạo kỹ năng chất lượng, một kèm một, học một biết mười, quy tụ nhiều chuyên gia hàng đầu, hoàn toàn miễn phí” đây là những câu chào mời đã khiến nhiều nạn nhân mắc bẫy lừa đảo. Không ít nạn nhân đã bị lừa đảo qua hình thức đăng ký các khóa học này trên mạng khi đang cần cải thiện khả năng giao tiếp lại vô tình nhìn thấy được lời chào mời về khóa học kỹ năng này.
Chị N.T. (nạn nhân) cho biết mặc dù giới thiệu là miễn phí nhưng chị phải đóng tiền mà không có khóa học nào như cam kết. “Tôi thấy trên mạng có lớp học miễn phí nên đã đăng ký, sau đó họ gọi bảo là tôi được nhận học bổng miễn phí 100%. Nếu muốn đăng ký họ sẽ tạo tài khoản cho tôi và tôi phải chuyển khoản cho họ 2 triệu đồng để đảm bảo là tôi tham gia khóa học. Khi học xong họ sẽ hoàn trả lại tiền cho tôi, tôi đã tin và chuyển ngay. Sau đó họ bảo phải chuyển thêm 2 triệu đồng vì có quy định mới phải cọc thêm 2 triệu đồng, nếu không thì sẽ mất 2 triệu đồng tiền cọc trước đó. Vì tôi sợ mất tiền cọc nên đã cũng chuyển khoản thêm lần hai. Khi tôi liên lạc lại thì không được, cũng không nhận được khóa học nào”.
Thủ đoạn của các đối tượng là vẽ ra những khóa học kỹ năng miễn phí, khi có người đồng ý tham gia các khóa học sẽ yêu cầu nộp lệ phí học, đồng thời đưa ra nhiều lý do khác nhau để nạn nhân nộp thêm tiền như cọc tiền bảo mật thông tin, cam kết học đầy đủ. Bên cạnh đó là thao túng tâm lý nạn nhân để cung cấp các dữ liệu nhân thân quan trọng rồi chiếm đoạt tiền đánh cắp thông tin.
Chiêu trò của các đối tượng này là giới thiệu lớp học hoàn toàn miễn phí nhưng buộc người tham gia phải mua sách vở, giáo trình và đóng những loại phí khác nhau và sau đó sẽ ngăn chặn mọi phương thức liên lạc với nạn nhân. Bên cạnh đó có những rủi ro khác vì có thể họ dẫn dụ người dân vào những khóa học với nội dung chưa được kiểm soát về việc tuyên truyền xuyên tạc một vấn đề nào đó, rủi ro lộ những thông tin thông tin cá nhân.
Người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin tư cách pháp nhân, giấy phép tổ chức các khóa học hoặc sự kiện trước khi đăng ký. Tuyệt đối không làm theo những hướng dẫn chuyển tiền cho bất cứ ai và bất cứ lý do gì nếu chưa xác định chính xác danh tính người nhận tiền và mục đích chuyển tiền.
TS Nguyễn Huỳnh Bảo Khánh (Trưởng Bộ môn Tội phạm học, Trường Đại học Luật TP.HCM) cho biết: “Những trường hợp nhận được một khóa đào tạo học miễn phí chúng ta cần phải tìm hiểu kỹ thông tin người tổ chức, tổ chức có được nhà nước cấp phép không. Chúng ta cần phải bình tĩnh để chấm dứt việc tham gia các hoạt động đó khi phát hiện những hành vi bất thường và không đóng bất kỳ một khoản phí nào. Phải cảnh giác xem nội dung họ tuyên truyền là gì và không cung cấp thông tin đời tư cá nhân cho những tổ chức hoặc là khi họ yêu cầu đăng nhập vào những đường link vì nguy cơ bị mất tiền rất cao từ những đường link này”.
Khi người dân có nhu cầu học tập nên lựa chọn các kênh đào tạo uy tín, không nên chủ quan vội vàng lựa chọn các khóa học tràn lan chưa được kiểm chứng trên các nền tảng mạng xã hội để tránh bị lừa đảo.
Lời Cảnh Báo là một chương trình mang đầy tính thời sự. Bên cạnh việc phản ánh những vấn đề đang được xã hội quan tâm, Lời Cảnh Báo còn cung cấp cho người dân nhiều kiến thức bổ ích về những vấn đề khác nhau trong cuộc sống như: kinh tế, sức khỏe, giáo dục, an ninh, trật tự xã hội…