Sau khi đánh tiếng về sự trở lại của phần 2 nằm trong chuỗi phim linh dị dân gian mang đậm văn hoá dân gian, đạo diễn Lưu Thành Luân đã chính thức giới thiệu dàn diễn viên sẽ xuất hiện trong “Linh Miêu” cũng như ấn định ngày ra rạp 22.11.2024, bộ phim đến sau thành công của “Quỷ Cẩu” - phim kinh dị Việt có doanh thu cao nhất mọi thời đại và khai thác câu chuyện linh dị dân gian liên quan đến quỷ nhập tràng.
Đổi mới hoàn toàn dàn diễn viên
Nội dung của “Linh Miêu” dựa trên chất liệu dân gian liên quan đến quỷ nhập tràng, từ đó xoáy sâu vào bi kịch của một gia đình sinh sống tại Huế vào những năm 1960 với những nút thắt - mở, những tư tưởng bất bình đẳng giới, những lề thói và cả những bất hạnh bám sâu vào từng con người chọn sinh sống trong gia đình.
Theo giám đốc sáng tạo - đạo diễn Võ Thanh Hòa: “Đây là câu chuyện hoàn toàn mới, tách rời với “Quỷ Cẩu”. Trong khi “Quỷ Cẩu” thấm nhuần văn hóa Bắc Bộ,“Linh Miêu” lại khắc họa màu sắc văn hóa Huế xưa. Mỗi văn hóa đều mang một giá trị đặc trưng và tinh thần khác nhau, nên trong một không gian mới, bối cảnh mới, chúng tôi nghĩ chọn một dàn diễn viên mới sẽ phù hợp hơn, mang đến sức sống mới, màu sắc mới cho bộ phim thứ 2 trong chuỗi phim linh dị dân gian”.
Những tân binh lần đầu chạm ngõ điện ảnh kết hợp cùng bảo chứng diễn xuất Hồng Đào
Điểm nổi bật đến từ lần công bố toàn bộ dàn diễn viên của “Linh Miêu” không thể không nhắc đến sự xuất hiện của Thùy Tiên và Thiên An. “Linh Miêu” chính là tác phẩm điện ảnh đầu tay của hai cô gái sở hữu nhan sắc ấn tượng này. Điều này đặt ra cho người xem không ít hoài nghi, liệu rằng làm thế nào cả hai “cân” được câu chuyện đậm chất linh dị, huyền bí mang thiên hướng văn hóa dân gian giữa những tên tuổi diễn viên phái thực lực như nghệ sĩ Hồng Đào, diễn viên Văn Anh. “Điều Tiên thực sự thích ở nhân vật của mình là nhân vật mang một thông điệp rõ ràng và giúp Tiên mang đến sự đa dạng trong diễn xuất của mình” - Nguyễn Thúc Thùy Tiên chia sẻ.
Theo Võ Thanh Hòa việc chọn Nguyễn Thúc Thùy Tiên hay Thiên An trong vai diễn đòi hỏi nhiều thử thách về diễn xuất không phải là bài toán mạo hiểm của ê-kíp, cũng không phải là “chiêu bài thương mại”, “chúng tôi tin rằng Phượng là dành cho Tiên và Mỹ Kim phải do Thiên An thể hiện. Điểm chung của hai người chính là sự tự nhiên, chân thật trong nét diễn lẫn biểu cảm. Sau hai vòng casting kỹ lưỡng, Tiên và An đã thuyết phục được ê-kíp chúng tôi về thực lực của hai bạn”.
Cùng Thùy Tiên và Thiên An, sự tham gia của nghệ sĩ Hồng Đào khiến nhiều khán giả mong đợi ở chất lượng diễn xuất của phim. Liên tiếp gây ấn tượng trong những vai diễn điện ảnh trong nước và cả dự án nước ngoài, nghệ sĩ Hồng Đào khiến khán giả không ít lần xuýt xoa bởi thực lực diễn xuất có cương - có nhu, “cân” trọn các dạng vai cũng như luôn biết “bắt thả” tâm lý nhân vật để dẫn dắt người xem. Tuy nhiên, nghệ sĩ Hồng Đào lại quá quen thuộc với các vai bà mẹ hiện đại, vậy điều gì ở nhân vật này sẽ tạo nên khác biệt?
“Sự khác biệt lớn nhất ở đây là kịch bản với cốt truyện mang nhiều giá trị nhân văn kết hợp yếu tố ma mị và chất liệu văn hóa được đạo diễn Võ Thanh Hòa và Lưu Thành Luân đặt vào mỗi nhân vật trong phim này. Điều thứ hai có lẽ là cảm giác khi Hồng Đào được kết hợp với các bạn trẻ. Lần nào cũng vậy, mỗi khi được diễn cùng các bạn, mình luôn cảm nhận một năng lượng dồi dào, một sự sáng tạo hết mình từ họ, những bạn trẻ dám nghĩ dám làm để mang đến mỹ thực điện ảnh đa dạng cho khán giả. Còn để nói về sự khác nhau giữa vai diễn các bà mẹ, Hồng Đào nghĩ thế này, mỗi bà mẹ ở những phim khác nhau, tính cách khác nhau, văn hóa khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, những áp lực và thử thách mà họ phải chịu khác nhau thì rất khó để so sánh” - nghệ sĩ Hồng Đào bày tỏ.
Ngoài ra, “Linh Miêu” cũng giới thiệu nhiều gương mặt mới, nắm giữ các mấu chốt quan trọng trong tuyến truyện để xây dựng và củng cố các phân cảnh cao trào của phim. Đạo diễn Lưu Thành Luân bày tỏ: “Tôi biết ơn mỗi diễn viên lựa chọn tham gia bộ phim này, mỗi người đều đã tạo nên một “Linh Miêu” đúng như những gì mà kịch bản, anh Võ Thanh Hòa và tôi mong muốn. Thiếu ai cũng không được, mỗi người đều có vai trò riêng. Ở đây cũng sẽ có những diễn viên trẻ, những người lần đầu chạm ngõ điện ảnh nhưng họ đều làm việc hết mình và mang đến một bức tranh đậm chất Huế đặt trong một câu chuyện linh dị dân gian”.
Tập trung mạnh vào chất liệu văn hóa Huế
Đi theo tinh thần của toàn bộ chuỗi phim linh dị dân gian, “Linh Miêu” lấy cảm hứng từ thời kỳ chuyển giao thoát khỏi chế độ thuộc địa, đi vào những câu chuyện linh dị dân gian để kể về câu chuyện liên quan đến cuộc sống, lòng người và cài cắm các thông điệp về nhân quả cùng cốt lõi trong mối quan hệ gia đình, nhưng tác phẩm kinh dị mới nhất của đạo diễn Lưu Thành Luân còn đi sâu hơn vào văn hóa truyền thống của Huế. “Tôi nghĩ đây cũng là một yếu tố thú vị ở lần trở lại này để bắt nguồn cho tất cả những bí ẩn, những hiện tượng tâm linh trong toàn bộ mạch truyện”.
Trong Linh Miêu, xưởng khảm sành sứ là nghề chính của cả gia đình Dương Phúc và cũng là nơi nảy sinh cho những cái kỳ bí hiện hữu. Và nghệ thuật khảm sành cũng chính chất liệu văn hóa chủ đạo được ê-kíp tập trung khai thác.Xuất xứ trong dân gian và đến thế kỷ XVII, nghề khảm sành sứ trở thành nghệ thuật trang trí trong cung đình Huế.
Dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân xứ Huế, những mảnh vỡ sành sứ lại trở thành những dấu son tráng lệ cho các công trình tuyệt tác, đưa nét đẹp nghệ thuật của Huế lên một tầm cao mới. Men khảm sành sứ được thực hiện theo nguyên tắc Âm dương Ngũ hành hòa hợp. Để từ đó, nghệ thuật khảm sành sứ lại trở thành hồn cốt cho vẻ đẹp của những lăng tẩm, đền đài và các ngôi mộ táng. Để từ nét đẹp dân gian trở thành làng nghề, biến hóa nên nghệ thuật trang trí cung đình thì việc chọn men khảm sành sứ không thể tùy tiện.
Bên cạnh đó, những hình ảnh đầu tiên đến từ dàn diễn viên diện áo dài Huế của những năm 1960 mang đến nhiều điều thú vị. Đạo diễn Lưu Thành Luân cho hay: “Vì câu chuyện mang màu sắc của Cố Đô những năm 1960 và đây là thời gian áo dài xứ Huế có những bước chuyển thú vị. Thế nên, chúng tôi cũng muốn thông qua lần công bố dàn diễn viên giới thiệu tạo hình của các nhân vật trong phim”.
Trong bộ ảnh được nhà sản xuất “Linh Miêu” tung ra có thể thấy ngoài nhân vật của Hồng Đào, các nhân vật khác đều diện các kiểu áo dài đơn giản vừa có nét giao thoa giữa nét truyền thống của cổ phục và các kiểu trang phục tân thời. Đặc biệt, bộ áo dài của nghệ sĩ Hồng Đào cho thấy độ cầu kỳ, tinh xảo của kiểu dáng áo dài ngũ thân tay chẽn, với các hoạ tiết mang đậm chất đặc trưng của giới cung đình quý tộc Huế. Điều này phần nào phản ánh vị trí, giai cấp và tư tưởng của các nhân vật.
Nói về việc đưa văn hóa Huế từ những năm 1960 vào “Linh Miêu”, nhà sản xuất Mai Bảo Ngọc hào hứng chia sẻ: “Theo tôi, làm phim là một cách thức để truyền tải một thông điệp nhân văn, một quan điểm xã hội, câu chuyện về con người hoặc một nét đẹp văn hóa truyền thống đến khán giả đại chúng. Sự bắt nguồn của việc khai thác các đề tài kinh dị mang màu sắc dân gian cũng xuất phát từ ý tưởng đó. Thế nên, anh em chúng tôi đều muốn mượn “Linh Miêu” để phần nào đó gửi gắm sự tồn tại và vẻ đẹp của văn hóa Huế, cụ thể là nghệ thuật khảm sành giúp người xem có thể cảm nhận hành trình từ nét đẹp dân gian trở thành làng nghề, biến hóa nên nghệ thuật trang trí cung đình đáng tự hào của người dân xứ Huế”.