Rachael Leigh Cook trong vai Amanda Riley
Q: Cơ duyên nào mang Rachael Leigh Cook, đến bộ phim này ?
Biên kịch Eirene và tôi cùng nhau trở thành đối tác và mang kịch bản này đến giới thiệu cho Netflix, lúc đó Netflix rất hào hứng cùng muốn thực hiện tác phẩm này tại Việt Nam và chúng tôi cũng may mắn casting được diễn viên Scott Ly cho nhân vật này. Thế là chúng tôi lên đường đến đất nước xinh đẹp này. Tôi vô cùng biết ơn khi được mọi người chào đón ở đây và hỗ trợ chúng tôi thực hiện bộ phim này. Đến giờ, tôi luôn nhớ rõ từng ngày quay và từng chi tiết trong phân cảnh lúc đấy, đây là trải nghiệm tuyệt vời. Đây là chuyến đi thứ hai của tôi đến Việt Nam nhưng là lần đầu tiên tôi thực hiện dự án phim ở đây. Tôi luôn ấn tượng về sự đa dạng về ẩm thực, phong cảnh, năng lượng nhiệt huyết và sự chăm chỉ cần cù của con người ở đây.
Q: Nơi nào ở Việt Nam ấn tượng nhất với Rachael Leigh Cook?
Tôi là người khá lãng mạn vì thế Hội An luôn chiếm vị trí đặc biệt với những con đường, hàng quán, cảnh quan. Tôi luôn nhớ mãi kỷ niệm chuyến đi thuyền dọc sông ở Hội An cùng mẹ tôi lúc đó, khoảnh khắc đó với tôi luôn rất đặc biệt cho đến giờ.
Phân cảnh trong bộ phim Hành trình tình yêu của một du khách - A Tourist’s Guide to Love. Ảnh: Netflix
Q: Cảm nhận của Rachael Leigh Cook khi thực hiện quay với đoàn làm phim và diễn viên phim ở Việt Nam như NSƯT Lê Thiện?
Dù đến từ văn hóa khác nhau nhưng khi thực hiện dự án làm phim, chúng tôi thấy sự tương đồng khi cùng làm việc trên trường quay ở mức độ chuyên nghiệp. Với tôi NSƯT Lệ Thiện là người bạn diễn tuyệt vời. Dù tôi không hiểu tiếng Việt, tôi nhìn bà diễn và cảm được năng lượng và tài năng của bà. Bà rất đặc biệt và diễn rất tự nhiên, tôi thấy hầu hết các diễn viên dù sống với nhân vật thì vẫn có khoảng 5% họ vẫn để đâu đó con người thật của họ bên trong, nhưng với Lê Thiện tôi thấy cả 100% con người thật của bà, rất tự nhiên là chính mình. Chúng tôi quá may mắn được bà nhận lời cùng tham gia bộ phim này.
Scott Ly trong vai Sinh Thạch
Q: Cơ duyên nào mang Scott Ly đến bộ phim này?
Thời điểm đó tôi casting với Rachael qua video call, tôi cảm nhận được năng lượng rạo rực của mọi người cho bộ phim này, lúc đó tôi cố gắng sắp xếp việc với gia đình để thực hiện chuyến quay xa này vì tôi luôn muốn làm gì đó cho quê hương. Tôi hy vọng là xem xong bộ phim này người nước ngoài sẽ muốn du lịch đến Việt Nam.
Rachael Leigh Cook và Scott Ly tái hiện cảnh phim kinh điển trên xe xích lô đầy thú vị tại buổi họp báo
NSƯT Lê Thiện trong vai Bà Nội
Q: Chia sẻ về quá trình làm việc với đoàn phim quốc tế của NSƯT Lê Thiện?
Dự án này đến với tôi hết sức bất ngờ. Và tôi cũng không nghĩ rằng qua nửa vòng trái đất tôi lại có thêm thằng cháu nội như thế này. Một nghệ sĩ lớn tuổi như tôi đến với dự án này, được tham gia với đoàn làm phim quốc tế, cảm giác mới mẻ cứ như tình yêu đầu đời. Tôi rất vui khi dự án như thế này cho mọi người cơ hội học hỏi lẫn nhau.
“Cháu trai" Scott Ly và “Bà Nội" Lê Thiện thân thiết phía sau hậu trường
Q: Theo NSƯT Lê Thiện, đâu là những khó khăn của ê-kíp nước ngoài khi quay phim tại Việt Nam?
Tôi đánh giá cao việc biên kịch và đạo diễn đã nghiên cứu kỹ lưỡng về phong tục, tập quán của người Việt Nam. Một vài phân cảnh trên phim dù xuất hiện rất ngắn ngủi, như cảnh nhân vật Amanda lau rửa lư hương hay văn hóa ngồi nhà sàn để ăn cơm, nhưng các diễn viên đã phải bỏ công tập luyện rất nhiều để làm quen với văn hóa người Việt. Tôi mong khán giả có thể thông cảm vì đây là điều mà người nước ngoài phải nỗ lực rất nhiều mới làm được.
Phân cảnh trong phim A Tourist's Guide to Love. Ảnh: Netflix
Quinn Trúc Trần trong vai Anh
Q: Bộ phim này có ý nghĩa như thế nào với một diễn viên trẻ như Quinn Trúc Trần?
Phim điện ảnh đầu tiên tôi đóng là vào năm 2017. Sau đó tôi vào đại học RMIT Việt Nam. Trong lúc học, tôi cảm thấy mình không có duyên với điện ảnh nữa. Sau đó, tôi quyết định đi làm văn phòng. Lúc ấy, tôi đã nghĩ trong đầu là sẽ không bao giờ quay trở lại nghiệp diễn nữa.
Đến một thời điểm, tôi nghỉ việc vì không hợp với quản lý. Ngay lúc ấy, tôi nhận được lời mời casting bộ phim A Tourist's Guide to Love. Ban đầu tôi chỉ muốn đi casting cho vui thôi. Thật sự không nghĩ là tôi có được vai diễn này. Lúc nhận được vai từ bộ phim này, tôi mới nhận ra là mình vẫn còn duyên với nghề. Tôi biết ơn A Tourist's Guide to Love vì sau bộ phim này tôi đã quyết định quay lại với nghề diễn viên. Chính vì vậy, đây là bộ phim đến với tôi rất có cơ duyên.
Biên kịch Eirene Tran Donohue
Q: Trong bộ phim này, biên kịch muốn gửi gắm điều gì đến khán giả? Cô đã làm gì để thiết kế một câu chuyện đủ hấp dẫn, lôi cuốn để không bị lấn át bởi bối cảnh ở Việt Nam?
Với tôi, ngoài những yếu tố về Việt Nam đã được đưa vào bộ phim, thì yếu tố cảm xúc trọng tâm mà tôi muốn hướng đến, chính là truyền tải thông điệp rằng: Bạn không cần phải sống theo một lối mòn đã định sẵn, không cần phải quá chú trọng đến những kỳ vọng mà những người xung quanh đặt cho bạn, cũng chẳng cần tuân theo luật hệ của ai đó. Chúng ta là những người làm chủ chính vận mệnh và con đường chúng ta đi. Khi tôi chia sẻ câu chuyện về lần gặp chồng của mình tại Việt Nam cho mọi người, họ thường bảo tôi rằng đó chính là định mệnh. Nhưng tôi lại tin vào những cơ hội hơn. Cuộc sống luôn gửi đến bạn vô vàn những cơ hội, và nếu như bạn luôn mở lòng, luôn sẵn sàng, bạn sẽ tìm thấy con đường bạn nên đi, nơi bạn nên đến. Tình yêu sẽ chỉ được tìm thấy khi chúng ta lựa chọn con đường cho riêng mình, chứ không phải đi theo lối mòn mà người khác chọn thay, hay mong đợi bạn sẽ đi. Đó chính là yếu tố cảm xúc mang tính cốt lõi của câu chuyện.
Q: Mỗi một phân cảnh phim ở các thành phố khác nhau của Việt Nam có ý nghĩa như thế nào?
Đây là một bộ phim về đề tài du lịch. Người xem có thể thấy những diễn viên sẽ bắt đầu từ một nơi, và tại nơi đó, họ có sự mong đợi cho riêng mình, cho chuyến hành trình sắp tới. Điều khiến cho câu chuyện trở nên đặc biệt chính là sự phát triển trên chuyến hành trình xuyên suốt Việt Nam, lẫn chuyến hành trình khám phá những cảm xúc của mình.
Trên những chuyến hành trình đó, họ được kết nối với những người xung quanh, tại những bối cảnh khác nhau, từ đó hiểu rõ về bản thân mình hơn. Như khi ở TP.HCM, các nhân vật luôn đi trên vỉa hè, mang theo sách hướng dẫn du lịch, làm một danh sách cho riêng mình. Nhưng khi đến Hội An, một nơi vô cùng đẹp, vô cùng lãng mạn, các nhân vật lại có một cách nhìn khác về nhau, họ bắt đầu mở lòng hơn, thư giãn nhiều hơn. Sau đó họ lại đến một vùng đồng quê để ăn Tết và tự dưng họ thấy được những điều chưa từng thấy trước đây. Mọi thứ chậm lại và giống như họ học cách thật sự “thở”. Nhưng rồi khi họ trở về Hà Nội, hiện thực và cuộc sống bận rộn của họ cũng trở lại. Họ phải học cách để những trải nghiệm xuyên suốt chuyến đi với thực tế của cuộc sống. Đó là cách mà chuyến hành trình xuyên suốt Việt Nam và chuyến hành trình khám phá những cảm xúc của bản thân được phát triển cùng nhau.