Theo chia sẻ của diễn giả Hồ Nhựt Quang, cách để dễ nhớ tên các bài bản Tổ đờn ca tài tử Nam Bộ chính là liên tưởng đến quá trình làm nông, vì các bài Tổ chứa đựng cuộc sống, phản ánh quan điểm, triết lý sống của người dân về thiên nhiên.
Sau chủ đề giới thiệu Đôi nét về đờn ca tài tử Nam Bộ, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang trở lại chương trình Kính Đa Chiều để tiếp tục bàn về các bài bản Tổ của loại hình nghệ thuật này – một Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Mở đầu chương trình, diễn giả Hồ Nhựt Quang tiết lộ những nghệ sĩ thường biểu diễn 20 bài bản Tổ của nghệ thuật đờn ca tài tử. Từ những bài bản này, nhiều người sáng tạo thêm nhiều thể điệu mới, làm kho tàng đờn ca tài tử Nam Bộ ngày càng phong phú. Trong số 20 bài bản Tổ gồm có: 6 bài Bắc (Lưu thủy, Phú lục, Xuân tình, Bình bán, Cổ bản, Tây thi), 3 bài Nam (Nam Xuân, Nam ai, Nam đảo), 4 bài Oán (Tứ đại, Phụng cầu, Phụng hoàng, Giang nam), 7 bài lễ (Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Vạn giá, Tiểu khúc hay còn gọi là Thất chánh).
Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang chia sẻ, để có thể dễ ghi nhớ tên các bài bản Tổ thì có thể liên tưởng 6 bài Bắc là hành trình phản ánh nền nông nghiệp Việt Nam. Trong đó, Lưu thủy có nghĩa là dòng nước chảy dài. Đây cũng chính là yếu tố quan trọng để hình thành nền văn minh nông nghiệp. Do đó, bài Lưu thủy ra đời đầu tiên.
Sau khi có nước thì cây cũng dần xanh nên có sự ra đời của bài Phú lục. Vào mùa xuân, cây xanh tốt, tức cảnh sinh tình từ đó hình thành nên bài Xuân tình. Theo diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang, Xuân tình có nghĩa là cây đang độ xuân. Khi cây đến giai đoạn trưởng thành, vừa trẻ lại vừa già thì xuất hiện bài Bình bán. Rồi cây cũng đến lúc già nua, lá rụng về cội như con người ở tuổi xế chiều thì có bài Cổ bản tượng trưng cho sự hoài niệm ngày xưa.
Cuối cùng, bài Tây thi có nghĩa chuẩn bị cho mùa vụ tiếp theo vì trong chữ Nho, từ “thi” còn có nghĩa là tích hạt để gieo cho mùa sau và “Tây” là hướng của mặt trời lặn, buổi về chiều. Một giả thuyết khác cho rằng ngày xưa, các nghệ sĩ đờn ca tài tử có dịp sang Tây để thi đấu xảo nên đã sáng tác bài Tây thi trong đêm nhạc đó.
Trong 20 bài bản Tổ đờn ca tài tử, sau 6 bài Bắc là 3 bài Nam. Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang cho biết, vì phương Nam mang một nỗi buồn da diết của những người con rời quê cha đất tổ nên các giai điệu của 3 bài Nam có bài sầu muộn nhưng vẫn mang hơi hướng tươi vui của mùa xuân và cũng có bài trầm buồn tượng trưng cho mùa thu vì tiết trời của mùa xuân và thu ở Nam Bộ khá tương đồng.
Tiếp đến 4 bài Oán trong 20 bài bản Tổ đờn ca tài tử tượng trưng cho mùa đông với tiết tấu buồn thảm, lâm li. Trong 4 bài Oán, Tứ đại có nghĩa là 4 cái khổ của con người (sinh, lão, bệnh, tử). Tuy nhiên, Tứ đại còn có nhiều cách hiểu khác nhau, nhưng chung quy mang giai điệu buồn bã. Bên cạnh đó, bài Oán còn có Phụng cầu, Phụng hoàng, Giang nam. Sau này mở rộng ra có thêm bài Trường tương tự, Văn thiên tường,… để làm các bài Oán thêm đa dạng.
Đối với 7 bài lễ trong 20 bài bản Tổ đờn ca tài tử thì mang tính chất trang nghiêm cung kính vì thường sử dụng trong lễ cung đình hoặc lễ quan hôn tang tế. Bài lễ đầu tiên có tên Xàng xê, trong đó “xàng” là âm hướng thượng (lên trên) và “xê” là dịch chuyển, tức tung và hoành để hanh thông vũ trụ. Đáng chú ý, bài Xàng xê có 64 câu, tượng trưng cho 64 quẻ của Kinh Dịch hình thành nên vũ trụ.
Bài lễ thứ hai là Ngũ đối thượng vì khi trời đất được phân chia thì có 5 chất nhẹ bay lên trời để tạo nên mây, mưa, gió, sấm, chớp, nên đó là lý do Ngũ đối thượng ra đời. Sau đó, 5 chất nặng gồm kim, mộc, thủy, hỏa, thổ rơi xuống đất kiến tạo sơn hà nên hình thành Ngũ đối hạ và đây cũng là bài thứ ba trong số 7 bài lễ.
Theo diễn giả Hồ Nhựt Quang, vì cội nguồn của người Việt là con Rồng cháu Tiên nên có bài lễ thứ tư là Long đăng, mô tả rồng bay lên tạo ra ánh sáng, hơi ấm trong vũ trụ. Bài lễ thứ năm là Long ngâm, có nghĩa rồng lượn xuống một cách uyển chuyển tạo ra hơi lạnh. Từ đó, môi trường sống sinh sôi nảy nở, cây cối, vạn vật sinh trưởng, nước chảy róc rách, chim muông và con người dần ra đời và đó cũng là ý nghĩa tượng trưng của bài lễ thứ sáu – Vạn giá.
Qua giải thích của diễn giả Hồ Nhựt Quang, host chương trình Kính Đa Chiều là đạo diễn Lê Hoàng nhận định các bài bản Tổ đờn ca tài tử đều chứa đựng cuộc sống và phản ánh quan niệm, triết lý sống của người Nam Bộ về thiên nhiên.
Trước thắc mắc của đạo diễn Lê Hoàng về việc những nghệ sĩ đờn ca tài tử tự học hay được đào tạo qua trường lớp? Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang cho biết: “Nghệ sĩ đờn ca tài tử có hai dạng, một dạng học từ lò. Ví dụ như Bác Tư ở xóm trên đàn rất hay nên họ đến cầu cạnh để được học. Hoặc có một cô nào đó ca tài tử hay thì họ đến cậy nhờ xem chất giọng hò làm sao để xuống cho hay”. Nam khách mời Kính Đa Chiều chia sẻ thêm, sở dĩ sau khi hát xong câu hò của bài vọng cổ khiến người khác vỗ tay là vì đó chính là sự trùng phùng, khiến người nghe cảm nhận niềm vui, ý nghĩa kết nối lại với nhau.
Cuối chương trình, đạo diễn Lê Hoàng gửi lời cảm ơn đến diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang vì đã cắt nghĩa về Các bài bản Tổ của đờn ca tài tử Nam Bộ - chủ đề được nhiều nhà nghiên cứu lẫn người trẻ quan tâm, tò mò. Bên cạnh đó, nam đạo diễn cũng bày tỏ hy vọng loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử cùng những giá trị sâu sắc sẽ tiếp tục được nhiều người biết đến hơn nữa.
Kính Đa Chiều là chương trình talkshow sở hữu format mới lạ và đầy hấp dẫn. Mỗi tập phát sóng của Kính Đa Chiều sẽ cùng bàn luận, đối thoại về một chủ đề hoặc một sự kiện đang được quan tâm xoay quanh những câu chuyện về văn hóa. Các khách mời đến với chương trình đều là những nghệ sĩ nổi tiếng, được khán giả mến mộ. Chương trình hứa hẹn mang đến cái nhìn đa chiều thông qua những cuộc đối thoại sâu sắc, thảo luận và chia sẻ quan điểm dưới góc nhìn của người trong cuộc.
Kính Đa Chiều – chủ đề tiếp theo Nhạc đặt hàng với sự tham gia của host Minh Đức và nhà sản xuất âm nhạc Tống Hạo Nhiên sẽ được phát sóng vào lúc 20h ngày 12/6 trên kênh VTV9. Chương trình do VTV9 phối hợp cùng Jet Studio thực hiện.