Thương cháu mồ côi, không có đủ đầy tình thương của cha mẹ. Những người bà dẫu tuổi già sức yếu vẫn lam lũ mưu sinh để nuôi nấng các cháu khôn lớn. Họ luôn mong mỏi một cơ hội mở rộng buôn bán, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình để lo cho cháu học hành đến nơi đến chốn, có một tương lai tươi sáng hơn.
Chuyến xe nhân ái phát sóng vào lúc 19h15 thứ bảy, hàng tuần trên kênh THVL1. Trong chuyến hành trình đầu năm 2024, Chuyến xe nhân ái gửi đến quý khán giả câu chuyện hoàn cảnh đáng thương nhưng cũng đầy hy vọng trên chặng đường tương lai tươi sáng của gia đình bà Nguyễn Thị Kiều Thu và bà Trần Thị Thọ, cùng ngụ xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang.
"Mất cha từ thuở nằm nôi
Năm mười sáu tuổi mồ cô mẹ hiền
Thương con phận lắm truân chuyên
Nhờ vòng tay ngoại bình yên tháng ngày..."
Đó là những dòng thơ chất chứa tất cả tình cảm yêu thương của em Thái Quốc Đạt dành cho bà ngoại của mình là bà Nguyễn Thị Kiều Thu. 16 tuổi, Đạt đã là đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Lúc Đạt 4 tháng tuổi, cha em bị nhồi máu cơ tim qua đời. Mẹ em cũng vừa mất năm ngoái vì đột quỵ. Nỗi mất mát quá lớn ấy may mắn được xoa dịu phần nào bởi tình thương và sự chở che của ông bà ngoại.
Thế nhưng, gia cảnh của bà Thu - bà ngoại của Đạt - cũng thuộc diện khó khăn ở địa phương. Ông Trần Văn Thành - chồng bà Thu - những năm gần đây cũng nhớ trước quên sau, bệnh tình mỗi lúc một nhiều khiến ông cứ thẫn thờ, lúc quên lúc nhớ, không còn phụ giúp vợ được nhiều. Cả nhà chỉ còn trông nhờ vào công việc chuốt cọng dừa của bà Thu, hay thỉnh thoảng có người thương tình thuê mướn để bà có thêm thu nhập lo cho chồng, cho cháu.
Thương ngoại vất vả, nhiều lần Quốc Đạt muốn nghỉ học đi làm phụ ngoại. Nhưng bà Thu chia sẻ: "Cô nói không được, con còn quá nhỏ, để ngoại ráng, ngoại cố gắng làm sao để con không nghèo không đói như ngoại với mẹ con...". Đáp lại sự hi sinh của bà ngoại là tấm lòng hiếu thảo và chăm ngoan học hành của Quốc Đạt với ước mơ thi vào ngành Sư phạm, có một công việc ổn định để lo cho ông bà ngoại lúc tuổi già. Mong mỏi chắp cánh cho ước mơ của cháu thành hiện thực, bà Thu cũng hy vọng có vốn chăn nuôi bò, ổn định cuộc sống để có thể đồng hành cùng cháu ngoại trên chặng đường đến tương lai.
Giống như bà Thu, bà Trần Thị Thọ dường như cũng đã dành cả cuộc đời mình để lo cho con cháu. Sau khi đổ vỡ hôn nhân, chị Đỗ Yên Bình - con gái thứ hai của bà Thọ - cùng với đứa cháu ngoại mới lên 3 quay về nương nhờ mẹ ruột. Sau đó không lâu, chồng bà Thọ cũng mắc bệnh ngặt nghèo rồi qua đời. Không có khả năng xoay sở số nợ đã vay mượn để chạy chữa cho chồng nên bà Thọ đành bán nhà để trang trải nợ nần.
Từ đó, cả gia đình dọn ra ở trọ mười mấy năm nay. Cùng nhau vun vén cho tổ ấm mới, cùng đó là bắt đầu công việc buôn bán quán cháo vịt nho nhỏ do người quen cho mượn mặt bằng, bà Thọ hy vọng từ đây một cuộc sống mới cũng sẽ mở ra với gia đình mình. Thế nhưng, không ngờ căn bệnh tiểu đường nhiều biến chứng lại xảy đến với chị Bình - con gái bà Thọ - khiến cuộc sống gia đình thêm nhiều gánh nặng.
Giữa những khó khăn chồng chất, niềm an ủi với bà Thọ chỉ có đứa cháu ngoại Quốc An đang là sinh viên năm 2 ngành Công nghệ thông tin, trường Đại học Bách Khoa TP. HCM. Không chỉ chăm ngoan, học giỏi mà Quốc An còn rất hiểu chuyện. Cháu tâm sự: "Từ nhỏ em không có cha cho nên mẹ và ngoại đã bao bọc cho em luôn cả phần của cha. Ngoại và mẹ thương em rất nhiều, hi sinh cho em rất nhiều nên em biết là tình thương của em dành cho mẹ và ngoại phải nhiều hơn như thế nữa. Em cố gắng học thật tốt để tương lai lo cho mẹ và ngoại".
Từ ngày Quốc An vào đại học, bà Thọ càng tất bật hơn với công việc buôn bán. Quán cháo của bà mở nhờ trên đất người quen dọn ra sớm hơn và đóng cửa tối hơn mỗi ngày để có thể kiếm tiền lo cho con gái thuốc thang và cháu ngoại yên tâm học hành. Nhưng mặt bằng quán do người quen cho mượn, chỉ trống được buổi chiều tối, chính vì vậy mà bà Thọ luôn trăn trở làm sao thuê mặt bằng rộng hơn để quán mở cả ngày và bán thêm tạp hóa để có thu nhập trang trải gia đình.
Với ước mơ giúp ngoại mở rộng buôn bán, ổn định cuộc sống gia đình nhưng em Quốc An không thể kịp thời có mặt tham gia chương trình vì lịch thi học kỳ cận kề, nên gia đình bà Thọ gửi gắm hy vọng cho em Hướng - người cháu họ hàng nhiệt tình giúp sức, cùng tranh tài với em Quốc Đạt - cháu ngoại bà Thu, hoàn cảnh đầu tiên của chương trình.
Vòng 1, chương trình sẽ thử thách sự nhanh nhẹn của 2 người chơi trẻ tuổi qua trò chơi mang tên Trưng bày chậu tắc! Cụ thể, sân khấu Chuyến Xe Nhân Ái đang có những chậu tắc cần được sắp xếp trưng bày. Nhiệm vụ của người chơi là lần lượt bưng từng chậu tắc đặt vào đúng vị trí, gồm có 2 hàng, mỗi hàng 4 chậu. Lưu ý, chậu tắc phải được trưng bày ngay ngắn, đứng thẳng, không ngã đổ mới được tính điểm. Khi tiếng còi xuất phát vang lên, Hướng nhanh chóng mang chậu tắc đặt vào vị trí. Đặc biệt, với sự tính toán nhanh nhạy của mình, Quốc Đạt đã nghĩ ra cách lần lượt đặt một chậu ở hàng trên và một chậu ở hàng dưới để tránh đi đường vòng mất thời gian, khiến khán giả vô cùng bất ngờ trước người chơi "tuy nhỏ nhưng có võ" này!
Vòng 2, hai người chơi tiếp tục tranh tài với trò chơi Ghép câu chúc Tết! Bước qua những ngày đầu năm 2024, chương trình Chuyến xe nhân ái có những câu chúc ý nghĩa như Chúc mừng năm mới, Phát tài phát lộc, Vạn sự như ý, Sức khỏe dồi dào, Làm ăn phát đạt. Mỗi chữ trong câu chúc được dán trên những hộp quà may mắn. Nhiệm vụ của người chơi là tự chọn 1 câu chúc tùy ý, sau đó tìm chữ mang về để ghép thành câu chúc trọn vẹn ý nghĩa mà mình đã chọn. Em Hướng chọn câu Chúc mừng năm mới, còn Quốc Đạt cố gắng ghép được câu chúc Vạn sự như ý. Kẻ tám lạng, người nửa cân! Hai người chơi tìm thấy 3 chữ đầu trong thời gian gần như bằng nhau và trùng hợp bất ngờ thú vị khi cả hai đều gặp khó khăn ở chữ cuối cùng! Ai sẽ hoàn thành trước câu chúc trọn vẹn ý nghĩa để dành tặng quý khán giả trong những ngày đầu năm mới?
Mời quý khán giả đón xem tập 649 chương trình “Chuyến xe nhân ái” sẽ được lên sóng lúc 19h15, thứ 7 ngày hàng tuần trên kênh THVL1.