Trang chủ / TRUYỀN HÌNH / TV SHOW / Câu Chuyện Cuộc Sống: Món ăn ngày Tết - Biến tấu để tốt hơn cho sức khỏe
Câu Chuyện Cuộc Sống: Món ăn ngày Tết - Biến tấu để tốt hơn cho sức khỏe
1302 lượt xem
04-02-2024
TV SHOW

Câu Chuyện Cuộc Sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ với những câu chuyện: Ứng xử văn hóa khi tham quan, chụp ảnh Tết, món ăn ngày Tết - Biến tấu để tốt hơn cho sức khỏe và Họp lớp dịp Tết sao cho ý nghĩa?

Món ăn ngày Tết - Biến tấu để tốt hơn cho sức khỏe

Trong những ngày Tết ngoài những phong tục truyền thống thì các món ăn là một phần không thể thiếu của cả gia đình. Các món ăn ngày Tết của người Việt vô cùng phong phú và mang đậm giá trị văn hóa truyền thống. Tùy vùng miền lại có những món ăn đặc trưng khác nhau, đa phần các món ăn ngày Tết được làm từ tinh bột sử dụng khá nhiều muối đường và dầu mỡ. Ở góc độ khoa học, nếu sử dụng quá nhiều sẽ không có lợi cho sức khỏe.

PGS, TS, BS Lâm Vĩnh Niên - Trưởng Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại Học Y Dược TP.HCM cho biết: “Để quản lý và cân bằng dinh dưỡng vào những ngày Tết. Chúng ta có thể thay thế thực phẩm giàu năng lượng, nhiều muối bằng những thực phẩm lành mạnh cho sức khỏe giàu chất xơ và các loại thực vật, giàu đạm”. Mặc dù ngày Tết không thể tách rời với những món ăn đặc trưng, nhưng chỉ cần thay đổi một chút nguyên liệu cách chế biến thì mỗi gia đình vẫn có được những mâm cơm vừa tốt cho sức khỏe mà không mất đi hương vị Tết. Đây là xu hướng ẩm thực được khuyến khích, không chỉ gói gọn trong ngày Tết mà là thói quen tốt cần duy trì trong cuộc sống hàng ngày.

Họp lớp dịp Tết sao cho ý nghĩa?

Họp lớp ngày Tết là một hoạt động ý nghĩa để ôn lại kỷ niệm đẹp thời đi học và gắn kết bạn bè sau khoảng thời gian ra trường đi làm, hay thậm chí đã nghỉ hưu. Tuy nhiên, đa phần các buổi họp lớp hiện nay dần thưa vắng người tham gia bởi vì nhiều lý do. Trên thực tế, nhiều người vẫn thích đi họp lớp vì đây là hoạt động ấm áp, ý nghĩa thể hiện sự gắn kết tình cảm giữa bạn bè đã từng học với nhau. Mỗi người đều có quyền lựa chọn tham gia hoặc không, nhưng nếu đã đồng ý thì không nên thể hiện cái tôi. Không nên biến họp lớp trở thành nơi khoe m hay tìm kiếm những mối quan hệ lợi ích khác. Thay vào đó, hãy tham gia họp lớp trên tinh thần vui vẻ để cùng nhau có thêm kỷ niệm thật đẹp khi gặp lại.

Thạc sĩ Lê Minh Huân - Chuyên gia Tâm lý chia sẻ:“Để buổi họp lớp trở nên ý nghĩa hơn chúng ta nên tạo ra nhiều hoạt động để gắn kết mọi người. Các hoạt động gợi nhớ lại kỷ niệm xưa, câu chuyện mà bạn nhớ nhất. Chính điều này làm cho những người bạn của mình cảm thấy cởi mở hơn, thoải mái để chia sẻ và đón nhận những câu chuyện từ người khác”. Bên cạnh đó, để việc họp lớp trở nên ý nghĩa, đại diện lớp nên chủ động gửi thư mời, thông báo thời gian địa điểm cho các thành viên trước một thời gian, lên kế hoạch cụ thể về việc cần làm trong buổi họp lớp. Các thành viên khi tham gia cần khéo léo trong cách ứng xử, giao tiếp văn minh để các thành viên đều cảm thấy thoải mái vui vẻ.

Ứng xử văn hóa khi tham quan, chụp ảnh Tết

Ứng xử văn hóa, văn minh nơi công cộng là câu chuyện thường xuyên được nhắc đến nhất là khi Tết đến xuân về.  Đâu đó chúng ta dễ dàng bắt gặp được hình ảnh vì muốn được xem, muốn có được những tấm ảnh đẹp, mà có người chen lấn làm đổ vỡ đồ vật trưng bày hoặc bẻ hoa, bẻ cành. Chưa dừng lại ở đó, có người còn văng tục chửi bới, xúc phạm lẫn nhau, sẵn sàng hơn thua bằng vũ lực. Ngoài ra, còn có những trường hợp ăn mặc phản cảm gây khó chịu cho người khác. Những hành vi thiếu văn hóa nơi công cộng không chỉ gây bức xúc mà còn truyền tải thông điệp không tốt về cách ứng xử, thậm chí còn có nguy cơ bị xử phạt.

Thạc sĩ Phạm Tấn Thông - Khoa Xã hội - Truyền thông, Trường ĐH Bình Dương cho biết, văn hóa có tác động rất lớn đối với xã hội và ảnh hưởng lớn đến hình ảnh của một quốc gia. “Mỗi người trong chúng ta cần biết cách tự chừng mực bản thân, xếp hàng không chen lấn, nói chuyện nhỏ nhẹ với nhau. Nếu như vì những việc nhỏ mà xảy ra tranh cãi nơi công cộng, chúng ta sẽ mất đi sự may mắn và vui tươi như lúc ban đầu. Giá trị của con người không chỉ nằm ở trang phục bên ngoài, còn được nhìn nhận thông qua hành động lời nói và cách cư xử với mọi người xung quanh”thạc sĩ nói. Văn hóa ứng xử nơi công cộng cũng chính là thước đo thể hiện bản thân là một người văn minh, lịch sự hay không. Và để cái đẹp được thể hiện như vốn có, chúng ta cần ứng xử đúng đắn sự hiểu biết và ý thức trách nhiệm với mình với cộng đồng.

Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Bằng những cuộc đối thoại ngắn kết hợp video dàn dựng, phóng sự phản ánh, Câu Chuyện Cuộc Sống làm khơi gợi lên những chủ đề đang được xã hội quan tâm như: đạo đức gia đình, trách nhiệm với xã hội, pháp luật, pháp lý, văn hóa, an toàn sống của những cá nhân, tập thể điển hình,… Bên cạnh đó, Câu Chuyện Cuộc Sống còn chia sẻ những ý kiến phân tích, đánh giá từ các chuyên gia, những suy ngẫm, trăn trở về các sự kiện, vấn đề trong xã hội đã, đang và sẽ diễn ra. Đồng thời, chương trình còn tạo nên kênh thông tin phản biện, định hướng dư luận xã hội, mang đến những kỳ vọng về sự tốt đẹp, an lành và hướng thiện.

Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Đài truyền hình Vĩnh Long và Jet Studio phối hợp thực hiện.

TAGS: