Câu Chuyện Cuộc Sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong việc rèn luyện cho con trẻ làm việc nhà hay hạn chế thói quen mua sắm trực tuyến thiếu kiểm soát và đồng thời một lời cảnh báo khi xin tư vấn hôn nhân trên mạng.
Lợi ích từ việc rèn cho con trẻ làm việc nhà
Khi cuộc sống khấm khá các bậc phụ huynh thường có tâm lý bảo bọc con, sợ con vất vả, nên thường nghĩ rằng con chỉ cần tập trung học là đủ không phải làm việc gì khác, thậm chí là các công việc nhà phụ giúp cha mẹ đơn giản, thế nhưng chính những điều này vô tình làm con mất đi những cơ hội được tiếp xúc và rèn luyện những kỹ năng trở thành một thói quen tốt.
Tiến sĩ Nguyễn Nữ Nguyệt Anh - Trưởng Khoa Xã hội học, Trường ĐH KHXH&NV chia sẻ: “Cha mẹ không thể luôn luôn sát cánh cùng con, một ngày nào đó con sẽ phải tự ra đời. Và sau này khi con phải đi học xa, trường hợp chúng ta bao bọc chở che cho con quá nhiều làm con mất đi khả năng tự lập. Thì sau này chính con sẽ là người khó có thể hòa nhập với xã hội và khó có thể lo cho bản thân mình. Việc giao việc phù hợp theo từng độ tuổi của trẻ sẽ giúp cho trẻ trong việc phát triển bản thân sau này, trẻ sẽ học được cách yêu thương san sẻ với người khác, có trách nhiệm với bản thân với gia đình. Đồng thời thông qua các công việc trẻ được trải nghiệm, trẻ có thể tự mình làm và khi đạt được thành quả tốt trong công việc cũng khiến trẻ vui vẻ, từ đó cho trẻ sự yêu thích hơn đối với công việc nhà. Cùng hỗ trợ cha mẹ, hình thành nên những thói quen kỷ luật, điều này sẽ giúp trẻ nhận ra những điều thiếu sót của bản thân cần cải thiện trong cách ứng xử của mình để hạn chế đi những tính xấu, ích kỷ của mình”.
Khuyến khích và hướng dẫn cho con làm việc nhà, cha mẹ nên chấp nhận ngay cả khi trẻ làm chưa được tốt. Hãy kiên nhẫn và cùng giúp trẻ hoàn thành, cha mẹ cũng nên thể hiện sự khen ngợi đánh giá cao những gì trẻ cố gắng làm. Điều này sẽ giúp cho con có nhận thức cao hơn về tính trách nhiệm và cảm nhận được việc mình làm có ý nghĩa ngay từ nhỏ.
Xu hướng mua sắm online ngày càng phổ biến, hàng loạt các sàn thương mại điện tử với các chương trình khuyến mãi ưu đãi lớn được tung ra thu hút người mua hàng online. Việc mua hàng sẽ không có gì để nói nếu như có không ít người mua hàng nhất là người trẻ thường hay vung tay quá trán, mua theo sở thích chứ không theo những gì mình cần để lại nhiều hệ lụy.
Chị Lưu Mỹ Anh (TP.HCM) chia sẻ, đa số những lý do mua hàng online thường do chị cảm thấy thích và mua hàng tùy vào tâm trạng cảm xúc. Chị xem việc mua hàng như cách để giải tỏa cảm xúc, áp lực công việc hàng ngày chứ không vì nhu cầu thiết yếu của bản thân.
Ông Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch CLB Doanh nhân Khởi nghiệp Việt Nam cho biết: “Các sàn thương mại điện tử thường tung ra các chương trình giảm giá, khuyến mãi siêu ưu đãi nhằm đánh vào tâm lý ham rẻ của người tiêu dùng. Người mua hàng trở nên dễ dàng hơn trong việc chọn lựa mặt hàng mua sắm online. Về lâu dài mua hàng không kiểm soát sẽ ảnh hưởng đến sự quản lý tài chính cá nhân của mỗi người tiêu dùng. Có thể món hàng đó thu hút sự tò mò và thích thú của chúng ta nhưng nó có thật sự cần thiết hay không và mức độ cấp thiết như thế nào”.
Nhiều người xem mạng xã hội là một kênh để bày tỏ nỗi niềm, chỉ cần tạo một tài khoản ảo sẽ không ai biết danh tính. Từ đó có thể dễ dàng mở lòng tâm sự chia sẻ những câu chuyện thầm kín, đặc biệt là chuyện hôn nhân gia đình. Tuy nhiên mạng xã hội luôn có hai mặt nên việc xin lời tư vấn hôn nhân trên mạng liệu có đáng để tin tưởng.
Chị N.T.T (TP.HCM) chia sẻ do mâu thuẫn cãi vã với chồng nên chị đã tìm đến một nhóm kín trên mạng để chia sẻ câu chuyện của mình nhằm có được sự đồng cảm, an ủi chia sẻ từ những người xung quanh. Nhưng chị chỉ toàn nhận lại những lời nói tiêu cực, khuyên chị nên ly dị khiến chị có rơi vào trạng thái hoang mang và xóa ngay bài viết vừa đăng: “Tôi và chồng đã tự ngồi lại với nhau để giải quyết những khuất mắt”.
Thạc sĩ Vũ Kim Ngọc - Chuyên gia Tâm lý chia sẻ: “Đó không phải là chuyên môn của họ, nên việc họ lấy những kinh nghiệm của bản thân chỉ để giúp mình thôi. Và đôi khi những điều từng trải kinh nghiệm của họ không phù hợp với mình. Khi tình yêu và hôn nhân của chúng ta xảy ra vấn đề, chúng ta nên bình tĩnh để nhìn nhận và phân tích nguyên nhân. Đừng nên tùy tiện đi tìm bất cứ một ai, hãy nhờ sự một người thật sự đáng để chúng ta tin tưởng, họ có những góc nhìn khách quan cũng như có một kinh nghiệm xã hội tốt. Hoặc chúng ta nên đến dịch vụ tư vấn tâm lý hôn nhân gia đình. Họ là những người có chuyên môn và là người chúng ta dễ dàng giải bày tâm sự của mình”.
Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Bằng những cuộc đối thoại ngắn kết hợp video dàn dựng, phóng sự phản ánh, Câu Chuyện Cuộc Sống làm khơi gợi lên những chủ đề đang được xã hội quan tâm như: đạo đức gia đình, trách nhiệm với xã hội, pháp luật, pháp lý, văn hóa, an toàn sống của những cá nhân, tập thể điển hình,…
Bên cạnh đó, Câu Chuyện Cuộc Sống còn chia sẻ những ý kiến phân tích, đánh giá từ các chuyên gia, những suy ngẫm, trăn trở về các sự kiện, vấn đề trong xã hội đã, đang và sẽ diễn ra. Đồng thời, chương trình còn tạo nên kênh thông tin phản biện, định hướng dư luận xã hội, mang đến những kỳ vọng về sự tốt đẹp, an lành và hướng thiện.
Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Đài truyền hình Vĩnh Long và Jet Studio phối hợp thực hiện.