Bella Vũ lần đầu tiên tham gia hoạt động tái thả động vật hoang dã về với tự nhiên để góp tiếng nói bảo vệ thiên nhiên, môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.
Hưởng ứng Ngày thành lập Kiểm lâm Việt Nam 21/5, Ngày Đa dạng sinh học 22/5 và Ngày Môi trường thế giới 5/6, Ban giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên tổ chức chương trình Hãy là một phần của kế hoạch đa dạng sinh học.
Buổi tọa đàm tại khu vực Vườn quốc gia Cát Tiên thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai diễn ra dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Văn Minh - Phó Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên; các diễn giả gồm có: ông Nguyễn Thế Việt - Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật; ông Nguyễn Thanh Long - Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Cát Tiên; ông Nguyễn Đình Quốc Việt - Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục Môi trường và Dịch vụVườn quốc gia Cát Tiên. Chương trình có sự tham gia của Miss Eco Teen 2021 Bella Vũ - Đại sứ thiện chí trẻ của tổ chức IIMSAM thuộc Liên Hiệp Quốc, cùng với các cơ quan thông tấn báo đài, khách mời…
Các diễn giả và khách mời đã có buổi tọa đàm đặc biệt giữa không gian xanh mát của thiên nhiên tại khu vực cây Tung đại thụ hơn 400 năm tuổi ở Vườn quốc gia Cát Tiên. Buổi tọa đàm trao đổi về các nội dung ý nghĩa các ngày kỷ niệm môi trường (Ngày đa dạng sinh học 22/5, Ngày Môi trường thế giới 5/6), Quá trình cứu hộ động vật, Ý nghĩa của việc tái thả động vật hoang dã trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học.
Tại đây các khách mời trao đổi, chia sẻ với các chuyên gia, nhân viên trong lĩnh vực bảo tồn để giải đáp thắc mắc, tìm hiểu về hiện trạng đa dạng sinh học của Việt Nam nói chung và của Vườn quốc gia Cát Tiên nói riêng. Sau đó, khách mời chung tay hỗ trợ Trung tâm Cứu hộ Vườn quốc gia Cát Tiên tái thả một số cá thể động vật hoang dã đã đạt điều kiện sức khỏe tốt, đáp ứng khả năng tái thả về rừng trong đợt tháng 5/2024.
Sau buổi tọa đàm, các diễn giả, lực lượng kiểm lâm, chuyên gia, tình nguyện viên, khách mời… đã tái thả 2 cá thể tê tê Java và 5 cá thể rùa núi vàng về với tự nhiên. Những động vật này được người dân tự nguyện giao nộp cho Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật vì Vườn Cát Tiên là nơi phân bố của các loài này với các đặc điểm tự nhiên phù hợp như khí hậu nhiệt đới, rừng có các tầng cây bụi, nguồn nước tự nhiên dồi dào… . Trung tâm tiếp nhận, ổn định sức khỏe, nuôi dưỡng theo tập tính môi trường tự nhiên, đến khi các cá thể động vật đạt điều kiện sức khỏe phù hợp, xác định an toàn dịch tễ theo quy định, thì tiến hành bước cuối cùng trong quy trình cứu hộ là tái thả về tự nhiên.
Cá thể Tê tê Java có tên khoa học là Manis javanica, còn được gọi là trút Java nằm trong Sách Đỏ Việt Nam, thuộc nhóm IB (Nghiêm cấm khai thác vì mục đích thương mại), thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Rùa núi vàng (Indotestudo elongata) thuộc họ Rùa núi (Testudinidae), được xếp vào nhóm IIB trong danh mục Động vật rừng nguy cấp, thuộc nhóm Nguy cấp trong Sách Đỏ Việt Nam.
Lần đầu tiên tham gia hoạt động tái thả động vật hoang dã về với tự nhiên, Bella Vũ cảm thấy hào hứng khi có thêm nhiều kiến thức về hành động ý nghĩa này. Nàng hậu 16 tuổi bày tỏ mong muốn làm tình nguyện viên hỗ trợ chăm sóc động vật ở khu cứu hộ trong thời gian tới.
Khi được hỏi về việc tích cực tham gia các hoạt động môi trường trong nhiều năm qua bị cho là bao đồng, Bella Vũ chia sẻ: “Bản thân em là người rất yêu thiên nhiên, môi trường, khám phá những cánh rừng, cảnh quan thiên nhiên đẹp. Cho nên những việc những cánh rừng đang bị giảm dần chất lượng thì một phần cũng ảnh hưởng đến những cuộc phiêu lưu của em. Nếu không góp phần gìn giữ, bảo tồn thiên nhiên thì sau này em sẽ không còn gì để xem, để khám phá nữa. Là một người trẻ, em không thể làm các việc quá lớn lao như các chú kiểm lâm, các chuyên gia bảo vệ rừng hàng ngày hàng đêm. Với sức nhỏ bé của mình, em nghĩ mình có thể dùng truyền thông, sức ảnh hưởng trên mạng xã hội trong cộng đồng em đang sống để lan tỏa thông điệp cho mọi người để cùng chung tay với em. Em nghĩ mỗi người có trách nhiệm góp một chút công sức bản thân thì sẽ có cộng đồng lớn mạnh bảo vệ cuộc sống cho chính chúng ta”.
Nhân Ngày thành lập Kiểm lâm Việt Nam 21/5, ông Nguyễn Thanh Long chia sẻ: “Diện tích Vườn quốc gia Cát Tiên có diện tích 82.597,4 ha - tương đương tỉnh Quảng Ninh. Lực lượng kiểm lâm là 113 kiểm lâm viên chính thức và các tổ chức quốc tế hỗ trợ để bảo vệ rừng đã làm việc khá vất vả. Trung bình 1 tháng 1 kiểm lâm viên đi bộ tuần tra bảo vệ rừng khoảng 60 km, toàn bộ Hạt kiểm lâm đi khoảng 6.000 km, gấp ba lần quãng đường đi từ Cát Tiên đến Hà Nội. Tài nguyên rừng của Vườn quốc gia Cát Tiên rất phong phú, đa dạng, có nhiều nguy cơ tác động do người dân nhận thức chưa cao nên việc xâm hại rừng còn rất lớn. Vì thế các kiểm lâm viên luôn cố gắng ngày đêm để bảo vệ cánh rừng này".
Nhiều vị khách quý của sự kiện, cùng với Bella Vũ đã nhân dịp này gửi lời cảm ơn những đóng góp thầm lặng của lực lượng kiểm lâm đang ngày đêm bảo vệ Vườn quốc gia Cát Tiên nói riêng, rừng Việt Nam nói chung. Những lời chúc sức khoẻ, món quà nho nhỏ, bữa cơm thân mật giữa rừng thể hiện tình cảm yêu quý, góp phần cổ vũ tinh thần cho những người bảo vệ rừng.